Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, tuy chưa phải là địa phương tiên phong trên tất cả các lĩnh vực, nhưng Hà Nội là nơi có trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Mỗi bước đi của Hà Nội đều thể hiện sự vận dụng đúng đắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố “kế thừa và phát triển, kiên định và đổi mới”, trong sự bứt phá, vươn lên, Hà Nội còn cần giữ nhịp bước đi vững chắc để bảo đảm sự phát triển ổn định và thành công.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, việc nâng cao chất lượng cuộc sống trở thành mục tiêu quan trọng trong quản trị và điều hành của chính quyền thành phố. Suy giảm chất lượng cuộc sống ở đô thị đồng nghĩa với việc suy giảm nguồn dân cư giàu có, suy giảm nguồn nhân tài và lao động có kỹ năng cao… kéo theo đó là sự suy giảm dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điều đó càng cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Thủ đô là một “thành phố đáng sống”, nơi người ta mong muốn, khao khát đến sống và làm việc, có khả năng thu hút nguồn lực lưu động trên phạm vi toàn cầu, như: đội ngũ nhân tài, các nhà đầu tư, các nhà đổi mới sáng tạo, nhóm doanh nhân, kèm theo đó là tri thức, công nghệ và nguồn vốn. Đây là những nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng tầm ảnh hưởng trong việc thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu, trở thành tiêu điểm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Hà Nội cần nắm bắt xu hướng này cùng với những thay đổi của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, vấn đề việc làm; trong đó đặc biệt chú ý đến các dịch vụ giá trị gia tăng cao, khai thác nhân tài và kỹ năng tiếp tục đổ về Thủ đô; để có quy hoạch và chiến lược phát triển phù hợp không gian phát triển, có đô thị lõi và chuỗi đô thị vệ tinh đáng sống của Hà Nội cũng như trong kết nối với các địa phương lân cận; xử lý hiệu quả những vấn đề ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… cản trở sự phát triển và giảm chất lượng sống của người dân.
Thành phố cũng cần phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng đất linh thiêng, truyền thống thanh lịch, thành phố anh hùng và thành phố hòa bình, nơi tích tụ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần tiên phong, nhạy bén với cái mới; khai thác hình ảnh là một trung tâm văn hóa của nền văn hiến lâu đời; coi đây là hồn cốt của diện mạo Thăng Long-Hà Nội để giới thiệu ra thế giới, góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch.
“Trước những yêu cầu mới ngày càng cao của Thủ đô và đất nước, Đảng bộ Hà Nội cần tiếp tục cố gắng cao độ, không ngừng nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, đoàn kết thống nhất để lãnh đạo giải quyết những khó khăn, thách thức đặt ra, đưa sự nghiệp đổi mới của Thủ đô có những bước đột phá phát triển”, đồng chí nhấn mạnh.
Tại hội thảo, trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện những năm qua và gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp có giá trị cho Thủ đô nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân...
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, từ kết quả của Hội thảo khoa học, Thành ủy Hà Nội sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến tham luận phù hợp để đưa vào các nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17.