Ứng phó với xâm nhập mặn trong mùa khô

Mùa khô 2023-2024, dự báo gần 100 nghìn ha lúa, cây ăn quả ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra đối với cây trồng, các địa phương, nhân dân trong vùng đã triển khai nhiều giải pháp như xuống giống sớm cho lúa, tích trữ nước tại các kênh, ao, hồ để tưới cho cây ăn quả…
0:00 / 0:00
0:00
Cống Xuân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vận hành lấy nước ngọt cho vùng ngọt hóa Gò Công.
Cống Xuân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vận hành lấy nước ngọt cho vùng ngọt hóa Gò Công.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mùa khô này xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm nên khả năng ảnh hưởng đến 56.260 ha lúa và 43.300 ha cây ăn quả.

Chủ động xuống giống sớm

Với điều kiện địa hình khá thấp so với mực nước biển nên thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vào mùa khô nhiệt độ cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng diễn ra thường xuyên...

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất năm trên sông Hậu khả năng tập trung trong tháng 2 và tháng 3, trên sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp xuất hiện muộn hơn khoảng một tháng. Ranh mặn 4g/l, trên sông Hậu xâm nhập sâu khoảng 55 đến 60 km, trên sông Mỹ Thanh sâu khoảng 65 đến 70 km.

Sản xuất lúa - là cây trồng chủ lực của tỉnh Sóc Trăng thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiệt hại do tác động của xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm, đặc biệt là ở các địa phương thuộc vùng thủy lợi khép kín.

Rút kinh nghiệm sau thiệt hại nặng nề của đợt hạn, mặn năm 2015-2016, ngành nông nghiệp tỉnh đã bố trí lại khung lịch thời vụ gieo sạ lúa ở hai vụ chính là đông xuân và hè thu với thời gian gieo sạ ở mỗi vụ sớm hơn từ 20 đến 30 ngày. Nếu như nhiều năm trước, nông dân trồng lúa trong vùng thủy lợi khép kín Long Phú-Tiếp Nhựt luôn thấp thỏm vì lo thiếu nước vào thời điểm mặn bắt đầu xâm nhập, nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán.

Nhưng những năm gần đây, nhờ tuân thủ lịch thời vụ gieo sạ của cơ quan chuyên môn, trà lúa đông xuân hằng năm tại các địa phương này luôn an toàn trước xâm nhập mặn và bảo đảm năng suất và chất lượng.

Nông dân Lâm Quy, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề chia sẻ: "Theo hướng dẫn của địa phương, trong thời kỳ cao điểm khoảng tháng 2 đến tháng 4, có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Từ đó, gia đình tôi tranh thủ nguồn nước ngọt xuống giống sớm hơn nên đến nay 6 ha lúa gần thu hoạch, không bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập".

Còn tại tỉnh Tiền Giang, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, xâm nhập mặn 2024 trên các sông Tiền, Hàm Luông và Vàm Cỏ Tây sâu hơn so với trung bình nhiều năm; xâm nhập mặn có khả năng sẽ đạt đỉnh mặn vào tháng 3.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ lúa đông xuân 2023-2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng lịch xuống giống sớm hơn 20 đến 30 ngày. Đồng thời, khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng. Đối với lúa trà muộn, trường hợp diễn biến thời tiết cực đoan, có nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn cao, người dân không nên xuống giống".

Cai Lậy là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang, trong đó, vườn cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng rất mẫn cảm với hạn, mặn. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 15.700 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 10.500 ha chuyên canh sầu riêng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay địa phương đã xây dựng kịch bản với các cấp độ xâm nhập mặn để có phương án ứng phó hiệu quả. Trong đó, đề nghị các xã, thị trấn rà soát, sửa chữa các cống, đập; nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, bảo đảm hệ thống kênh rạch thông thoáng, đủ điều kiện tích trữ nước an toàn cho sản xuất. Đồng thời, huyện thường xuyên cập nhật tình hình xâm nhập mặn để thông tin cho nông dân biết. Xã Tân Phong có gần 1.300 ha vườn cây ăn quả với các loại cây trồng chủ lực: Sầu riêng, chôm chôm, mít, nhãn... Rút kinh nghiệm của các đợt hạn, mặn của những năm trước, nông dân trên địa bàn đang chủ động nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) trồng 0,5 ha sầu riêng, cho biết: "Nơi đây, chính quyền địa phương đã đầu tư hệ thống đê bao và đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt. Ngoài ra, người dân cũng thực hiện trữ nước ngọt trong các bồn chứa, mương vườn, đào hố trải bạt, kênh, rạch tự nhiên... Đồng thời, chủ động sử dụng nước tiết kiệm; bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước trong các sông, kênh, rạch nhằm có nước tưới cho các vườn cây ăn quả".

Ông Nguyễn Văn Tám, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông trồng 0,3 ha dưa leo. Để chủ động ứng phó với hạn, mặn, gia đình ông mua thêm năm cái lu và hai thùng phuy lớn để tích trữ 5m3 nước nhằm tưới cho cây trồng.

Ông Tám cho biết: "Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt đã đưa về tận phía biển, trong đó có khu vực của chúng tôi. Tuy nhiên, vào mùa khô, nhu cầu sử dụng cao nên nguồn nước đưa về đây khá yếu. Vì vậy, chúng tôi phải chủ động tích trữ nước khi mùa khô đến".

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ngoài những giải pháp như trên, hiện nay các địa phương và nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến nay nhân dân đã chuyển đổi hơn 22.000 ha đất lúa sang các mô hình trồng màu dưới chân ruộng (hai lúa , một màu), trồng sen, dừa, chuối, chanh…

Nông dân Thạch Mô Lết, ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề là một trong những hộ từng thiệt hại nặng nề trong đợt hạn, mặn năm 2015-2016. Sau khi được hướng dẫn của ngành nông nghiệp đến năm 2018, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1,7 ha đất lúa sang trồng giống dừa Mã Lai.

Ông Thạch Mô Lết chia sẻ: "Dừa là giống cây trồng chịu mặn tốt nên có thời điểm độ mặn tại Trần Đề đo được từ 4 đến 5‰, nhưng vườn cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng cho trái không bị ảnh hưởng. Trồng khoảng 2,5 năm cây bắt đầu cho quả, trung bình mỗi năm vườn dừa cho lợi nhuận hơn 700 triệu đồng, trừ chi phí cao hơn nhiều so với canh tác lúa".

Vụ lúa đông xuân năm 2023-2024, nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống hơn 79.000/171.000 ha và vụ mùa hơn 10,3 nghìn ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Huỳnh Ngọc Nhã cho rằng: "Để ứng phó với hạn, mặn tỉnh đã và đang tăng cường thông tin về xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động các giải pháp phòng, chống, tránh ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng thời, rà soát các khu vực có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống lúa và các biện pháp, kỹ thuật phòng, chống hạn, mặn cho các vùng trồng cây ăn quả, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại".

Ứng phó với xâm nhập mặn trong mùa khô ảnh 1
Nhờ xuống giống sớm nên lúa vụ đông xuân 2023-2024 ở tỉnh Sóc Trăng cơ bản không bị ảnh hưởng do hạn, mặn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, để chủ động ứng phó hạn, mặn, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, ngành nông nghiệp thường xuyên khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh, rạch và nội đồng để có biện pháp ứng phó hiệu quả; rà soát, củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, chống hạn, mặn và triều cường. Hiện, Tiền Giang đã đầu tư gần 850 tỷ đồng (giai đoạn 1) xây dựng sáu cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền, kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ vùng chuyên canh cây ăn quả. Cùng với đó, dự kiến công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư hơn 580 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong tháng 7/2024 và đưa vào vận hành, khai thác nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ gần 100.000 ha sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Đến thời điểm này hạn, mặn xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đúng như dự báo là cao hơn trung bình nhiều năm nhưng chưa đến mức như năm 2019-2020. Theo dự báo, hạn, mặn sẽ bước vào đợt cao điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, xâm nhập mặn có chỗ sâu vào khoảng 70 đến 80 km. Để ứng phó trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục xuống giống sớm cho lúa nhằm né hạn, mặn; tích nước vào các ao, hồ, kênh mương tưới cho các vườn cây ăn quả; vận hành các công trình đã có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đang thực hiện để đưa vào phục vụ sản xuất trong mùa khô năm nay".