Ngày 1/8, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” đã chủ trì Hội nghị giao ban nhằm đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2023.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, đến tháng 6/2023, thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu; dự kiến đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành 14/19 chỉ tiêu.
Hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình 03 đã phân loại các chỉ tiêu còn khó khăn, vướng mắc như tỷ lệ xử lý nước thải; vận tải hành khách công cộng; xây dựng các chợ; hạ ngầm các công trình; cải tạo xây dựng chung cư cũ… để rà soát và tập trung tháo gỡ.
Về chỉ tiêu “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại”, đến nay, thành phố đã tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư của 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Hiện đã có 2 dự án hoàn thành thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác là Nhà 3A Quang Trung (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), Dự án Cải tạo khu chung cư cũ L1, L2 (khu Nam Thành Công, số 93 Láng Hạ, quận Đống Đa).
Thành phố đang tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện 9 dự án.
Các ý kiến thảo luận tại buổi giao ban. |
Với chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954”, từ năm 2021 đến nay, các đơn vị đã thực hiện xong việc bảo tồn, chỉnh trang 12 biệt thự cũ và 7 công trình kiến trúc khác.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch để tiếp tục thực hiện bảo tồn, chỉnh trang 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các quận thực hiện bảo trì, cải tạo, sửa chữa biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954.
Liên quan tới việc hạ ngầm lưới điện, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, việc thực hiện nội dung này gặp khó khăn, vì ngành thiếu nguồn lực, chưa triển khai được đối với các tuyến đường theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.
Về mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng từ 30% đến 35%, nhưng hiện thành phố mới đạt 19,5%.
Nguyên nhân khó hoàn thành chỉ tiêu là do ảnh hưởng của dịch bệnh, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh. Cùng với đó, còn 31 điểm ùn tắc giao thông, dẫn đến các chỉ tiêu sản lượng vận tải giảm do điều chỉnh lộ trình, xe bỏ chuyến, hành khách ít.
Thời gian tới, cùng với nỗ lực của thành phố trong phát triển đường sắt đô thị, Sở cũng đề xuất giải pháp điều chỉnh trợ giá xe buýt điện.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu trên cơ sở nhận diện các khó khăn, vướng mắc, Ban quản lý các dự án thành phố và các quận, huyện, thị xã rà soát các công trình, dự án để nỗ lực hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.
Đồng chí chỉ rõ, với các chỉ tiêu về xử lý nước thải, vận tải hành khách công cộng, hạ ngầm dây cáp điện, cải tạo các chợ, các sở, ngành cần đề xuất giải pháp về vốn, cơ chế chính sách để triển khai sớm. Trong đó cần vận dụng các sáng kiến, cách làm hay của các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm…
Đối với việc cải tạo chung cư cũ- một chủ trương lớn liên quan trực tiếp tới đông đảo người dân và là nội dung lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao kế hoạch triển khai thực hiện, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý việc triển khai các dự án cải tạo cần phải gắn với quy hoạch nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh hoàn thành các hạng mục, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.