Bài 1: Niềm vui những cung đường mới
Xác định tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng, thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả. Nhiều cung đường mới, nhất là các tuyến đường cao tốc, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại nhiều niềm vui và cơ hội cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.
Khi tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình được mở rộng và đưa vào sử dụng, anh Đào Minh Hiến, xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) phấn khởi cho biết: “Tuyến đường giúp tôi đi từ thành phố Hưng Yên lên Hà Nội chỉ khoảng một giờ đồng hồ; đi Hải Phòng gần hai giờ, đi lên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình chừng nửa giờ rất thuận lợi, tạo động lực cho các huyện và thành phố Hưng Yên phát triển giao thương, kinh tế”.
Còn ông Nguyễn Văn Cường ở thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) cảm thấy rất hạnh phúc khi đi trên tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái vừa đưa vào sử dụng, khoảng cách giữa các vùng miền được rút ngắn. Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái thật sự là niềm tự hào của Quảng Ninh và ông tin rằng Quảng Ninh tiếp tục phát triển hơn nữa, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Những cung đường mới đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui cho biết bao người dân và cũng tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Vùng đồng bằng sông Hồng. Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng (Sở Giao thông vận tải Hưng Yên) Lê Xuân Thủy phấn khởi báo tin vui: Tuyến đường huyết mạch của tỉnh là tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, giai đoạn II đã cơ bản xong, sẽ rút ngắn thời gian từ Hưng Yên đến các cảng biển, sân bay và nhiều đô thị lớn trong vùng.
Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là mảnh ghép cuối cùng được hoàn thành của tuyến cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176km, chiếm gần 17% tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước, được thiết kế với vận tốc 120km/giờ, bốn làn xe, có tổng vốn đầu tư hơn 44 nghìn tỷ đồng do vốn của tỉnh và doanh nghiệp đầu tư; trong đó, của tỉnh là hơn 15 nghìn tỷ đồng và doanh nghiệp là hơn 28 nghìn tỷ đồng.
Tuyến đường cao tốc này kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km) và Quảng Ninh là tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong khát vọng phát triển liên vùng. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với ba sân bay quốc tế Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn...
Để có được những tuyến đường đưa vào sử dụng kịp thời, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 28/6/2021, về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Minh Hải cho biết: Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và địa phương đã tạo sự phát triển đột phá; nhiều công trình giao thông lớn mang tính kết nối vùng, khu vực đã và đang hình thành góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…
Với vị trí quan trọng trong Vùng đồng bằng sông Hồng, thành phố Hải Phòng đã và đang nỗ lực phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, vừa là điều kiện để Hải Phòng bứt tốc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo điểm nhấn cho sự bứt phá của cả vùng.
Trong cuộc thị sát và làm việc giữa tháng 5 vừa qua tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội là một trong ba đột phá chiến lược, nhất là phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và những cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển.
Giữa tháng 7/2021, cùng một ngày, hai cây cầu kết nối giữa Hải Phòng với tỉnh Hải Dương là cầu Quang Thanh kết nối huyện An Lão (Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (Hải Dương); cầu Dinh kết nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kim Môn (tỉnh Hải Dương) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách thành phố Hải Phòng.
Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Dinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng cho rằng, cây cầu được sớm hoàn thành là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và là minh chứng kết quả hợp tác tốt đẹp của hai địa phương.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng cho biết: Hiện thành phố Hải Phòng có gần tám nghìn km đường bộ, tăng hơn bốn lần và gần 150 cây cầu, tăng gần gấp hai lần so với năm 2005. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên vùng, khu vực hoàn thành đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh…
Những năm qua, Quảng Ninh được cả nước biết đến là một trong những tỉnh phát triển năng động, dám nghĩ, dám làm, luôn đổi mới, sáng tạo, đột phá, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, trở thành cực tăng trưởng khu vực phía bắc. Một trong những thành tựu nổi bật là Quảng Ninh đã thực hiện tốt ba đột phá chiến lược; trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, liên kết vùng, nội vùng và liên kết khu vực, quốc tế.
Quảng Ninh đã thực hiện quy hoạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và hiện nay, quy hoạch “1 tâm, 2 tuyến, đa chiều” đã hình thành và chứng minh là đúng đắn. Quảng Ninh và Hải Phòng đã trở thành cực tăng trưởng mới. Từ Hà Nội đến Móng Cái gần 400km, trước đây di chuyển khoảng bảy giờ, nay quãng đường được rút ngắn chỉ còn 276km đường cao tốc, mất khoảng ba giờ di chuyển.
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: Công trình là niềm tự hào của người dân với nhiều giá trị khác biệt, thể hiện chủ trương đúng đắn, tư duy đổi mới của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; là con đường của niềm tin và sức mạnh đoàn kết; con đường của khát vọng, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; con đường mang tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng; con đường thân thiện chào đón bạn bè trong, ngoài nước đến với Quảng Ninh.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh huy động được gần 60.000 tỷ đồng để triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP); trong đó, nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Các dự án khi đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển không gian của tỉnh mà còn mở ra không gian phát triển mới cho khu vực, thúc đẩy phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Hồng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh Hoàng Quang Hải cho rằng: Với việc huy động tốt nguồn lực đầu tư xã hội, Quảng Ninh đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, tạo ra động lực, không gian phát triển mới về du lịch, dịch vụ và đô thị và tạo sự liên kết mới giữa nội vùng và liên vùng… Các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức PPP giúp Quảng Ninh giảm áp lực chi cho đầu tư các dự án công trình lớn, có điều kiện dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại từng vùng, miền và đến tận từng khu dân cư.
“Với vai trò là đầu tàu kinh tế trong khu vực, Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Một trong những nội dung quan trọng mà Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đề ra từ đầu nhiệm kỳ đã nhanh chóng được triển khai là phối hợp với các địa phương lân cận trong vùng tập trung hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, xây dựng mới các cây cầu vượt sông thay thế các bến phà nhằm tăng cường giao thương trong vùng và cả nước”.
NGUYỄN VĂN TÙNG
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng