Tiếp nối thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo các năm 2021, 2022, lễ hội năm nay nhằm hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội khi tham gia “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”, góp phần hội tụ và lan tỏa các ý tưởng và thành quả sáng tạo, hình thành mạng lưới sáng tạo, mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo tại Thủ đô.
Với trọng tâm là thiết kế và di sản, lễ hội năm nay nhấn mạnh các giải pháp và cách nghĩ mới mẻ từ thiết kế nhằm đem lại sức sống mới cho các di sản; truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho các tài năng trẻ; là cơ hội đề cao giá trị của thiết kế, khai phá nội lực sáng tạo và tiên phong trong mô hình hợp tác công-tư để mang đến những giải pháp không gian sáng tạo và thiết kế cho cộng đồng trên nền tảng di sản Hà Nội.
Sau bốn năm gia nhập “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” (ngày 30/10/2019), dù gặp không ít khó khăn, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới này. Với quan điểm lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững, Hà Nội đã xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới của Thủ đô trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho phát huy cao nhất nguồn lực văn hóa và con người; chuyển hóa nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, bảo đảm thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ở góc độ tích cực, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã khẳng định sức sống và nguồn lực sáng tạo của thành phố, vừa phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa phong phú, vừa lấy di sản làm nguồn cảm hứng sáng tác, thúc đẩy kết nối các cộng đồng sáng tạo. Song, cũng phải thẳng thắn thừa nhận lễ hội còn tồn tại một số khiếm khuyết cần sớm được điều chỉnh.
Để tổ chức lễ hội, thành phố Hà Nội phải huy động nguồn lực con người và tài chính rất lớn, nhưng dường như sau những “kỳ nở rộ” của tháng sáng tạo, tuần lễ thiết kế, ngày văn hóa…, thì các sản phẩm nói chung, các sản phẩm mang tính biểu trưng của mùa lễ hội nói riêng lại biến mất.
Không ít người yêu thích, có mong muốn tìm hiểu thêm về các sản phẩm sáng tạo được giới thiệu trong các sự kiện ấy đã phải “ngơ ngác” ở chính các con đường mà chỉ trước đó vài ngày còn rộn ràng không khí lễ hội, du khách được hòa mình trong không gian sáng tạo, thụ hưởng các thành quả sáng tạo của cộng đồng. Sau các sự kiện, không còn mấy ai nhớ đến các hoạt động thiết kế sáng tạo liên quan và cả danh hiệu “thành phố sáng tạo” được thể hiện qua các sự kiện ấy. Sản phẩm sáng tạo ấn tượng không được lưu giữ chính là một sự lãng phí lớn.
Hà Nội còn nhiều việc phải làm để tạo lập được các không gian sáng tạo và nền tảng cho các nhà sáng tạo phát huy được nguồn lực văn hóa.
Một số nhà chuyên môn cho rằng, hoạt động sáng tạo phải đáp ứng được tính thời sự, tính tích cực và bền vững, sản phẩm sáng tạo vừa phải có sức sống, vừa phải phát triển liên tục, song vẫn phải giữ được những yếu tố căn gốc để tạo tiền đề, nền tảng cho sự phát triển sáng tạo tiếp theo.
Hà Nội còn nhiều việc phải làm để tạo lập được các không gian sáng tạo và nền tảng cho các nhà sáng tạo phát huy được nguồn lực văn hóa, để thế hệ trẻ có đất dụng võ, thể hiện năng lực sáng tạo, có sức sáng tạo như một dòng chảy liên tục giúp Thủ đô nhập cuộc thật sự được với các thành phố sáng tạo trên thế giới.
Trong bối cảnh một quy hoạch bài bản về không gian sáng tạo bền vững còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, thì chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô của Hà Nội những năm qua đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng. Các di sản công nghiệp này có thể khai thác để tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, tái tạo thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, thu hút đầu tư, tạo ra việc làm, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.