Đi đầu cả nước về số lượng, Hà Nội hiện nay có 124 không gian sáng tạo hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như thiết kế, nghệ thuật thị giác, kiến trúc, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh... Là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thêm một lần nữa, Hà Nội tiên phong dự thảo Bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo cũng như hướng tới thành lập mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội vì mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Bộ tiêu chí được cho là công cụ gỡ khó, “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sáng tạo, văn hóa hoạt động thuận lợi, có định hướng và hiệu quả.
Trăn trở và nỗi lòng của nhà tổ chức
Không có hướng dẫn cụ thể, không có hỗ trợ thủ tục cấp phép về việc thành lập cũng như vận hành, không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, về địa điểm, hỗ trợ kết nối quảng bá, truyền thông các hoạt động và sản phẩm văn hóa, sáng tạo… là những trăn trở của một số doanh nghiệp tổ chức các không gian văn hóa, sáng tạo tham gia buổi tham vấn về Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) tổ chức vừa qua.
Bày tỏ sự vui mừng khi “được” quản lý, được hỗ trợ, đại diện không gian sáng tạo Complex 01- ông Nguyễn Bùi Vũ cho rằng, hoạt động của các không gian sáng tạo đang được bước một chân ra ánh sáng sau thời gian dài tự lực cánh sinh. Là tổ hợp cộng đồng với 4.000m2 sàn, Complex 01 là địa điểm kết nối liên ngành, tạo nền tảng cho các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật. Có thời gian hoạt động khá lâu nhưng Complex 01 gặp nhiều khó khăn khi không có khung pháp lý, không được hướng dẫn cũng như hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí, quảng bá, truyền thông.
Là không gian sáng tạo, nhưng Complex 01 đồng thời hoạt động như một doanh nghiệp bất động sản cho thuê mặt bằng. Đến nay, đại diện các không gian sáng tạo mới có cơ hội gặp nhau, được chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước quan tâm lắng nghe về những băn khoăn, khó khăn trong quá trình hoạt động. Ông Vũ mong muốn doanh nghiệp văn hóa sáng tạo như Complex 01 được hướng dẫn, giúp đỡ, định hướng và chia sẻ kinh nghiệm để có thể tham gia nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo, mang lại giá trị cho xã hội, mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho chính Complex 01 trong hoạt động kinh doanh.
Các không gian sáng tạo sẽ cùng nhau tìm cách xây dựng những quy chế, khung pháp lý, những định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ từ Chính phủ để tham gia phát triển thành phố sáng tạo, cùng nhau xây dựng bước phát triển bền vững, lâu dài.
Thành lập năm 2016 với mục tiêu hỗ trợ và phát triển nghệ thuật sáng tạo thông qua hợp tác với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và đưa tác phẩm bản quyền của họ lên các sản phẩm thời trang, phụ kiện... doanh nghiệp sáng tạo TiredCity hiện đang cộng tác với 500 nghệ sĩ cùng khoảng 1.100 tác phẩm nghệ thuật và quản trị cộng đồng sáng tạo với hơn 110 nghìn thành viên.
Sau bảy năm hoạt động, TiredCity đang vận hành hơn 10 cửa hàng, phục vụ khoảng 5% lượng khách du lịch đến Hà Nội. Vừa là doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp văn hóa, tổ chức phi lợi nhuận thông qua các đợt tổ chức triển lãm, sáng lập và giám đốc điều hành doanh nghiệp sáng tạo TiredCity là ông Nguyễn Việt Nam chia sẻ sự lo lắng vì các doanh nghiệp sáng tạo hoạt động khá lẻ loi.
Hướng đến mục tiêu xây dựng bản đồ văn hóa phục vụ khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội, ông mong muốn bên cạnh mục đích phục vụ nội bộ các doanh nghiệp sáng tạo, kết nối hỗ trợ về truyền thông, tài chính, sản xuất giữa các doanh nghiệp sáng tạo thì nhóm đối tượng quan trọng của bộ tiêu chí hướng đến là nhằm phục vụ những người quan tâm đến sáng tạo, văn hóa.
Đứng từ góc độ nhà nghiên cứu các không gian sáng tạo vừa và nhỏ ở Hà Nội thành lập trước năm 2019, bà Phạm Quỳnh Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ: Không gian sáng tạo là nơi hỗ trợ các hoạt động kết nối, nuôi dưỡng tài năng và thúc đẩy đổi mới. Không gian sáng tạo có thể kết nối cộng đồng, kết nối những người sáng tạo và kết nối sản phẩm sáng tạo đến với công chúng.
Rất nhiều không gian sáng tạo đời đầu đã vượt qua nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn tồn tại đến nay chính là đưa sản phẩm sáng tạo đến với công chúng. Một khó khăn khác là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực làm sáng tạo thông qua các workshop, các khóa học… là cơ sở để các không gian sáng tạo có thể phát triển bền vững.
Lợi ích từ mạng lưới không gian sáng tạo
Tiên phong xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí phân loại đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội, các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố đang nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của các không gian sáng tạo và ưu thế kết nối nguồn lực sáng tạo từ đây. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Đỗ Đình Hồng, bên cạnh mục tiêu của bộ tiêu chí là có cơ sở để nhận diện và công nhận không gian văn hóa sáng tạo, mục tiêu cuối cùng là bảo tồn, giữ gìn và phát triển các không gian sáng tạo; phục vụ cho các cộng đồng sáng tạo hoạt động tốt hơn.
Khao khát được sáng tạo và mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục cống hiến, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, sáng lập không gian điện ảnh Ơ kìa Hà Nội nhìn nhận, không gian sáng tạo là nơi chia sẻ, kết nối nghệ sĩ và công chúng. Khi “hành chính hóa” mạng lưới không gian sáng tạo, những thủ tục về mặt hành chính cần được trôi chảy, không thêm rắc rối và ràng buộc cho những thành viên tham gia mạng lưới này.
Điều quan trọng là hiện thực hóa được các ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp sáng tạo, văn hóa và những người mong muốn đi theo ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo được hưởng lợi từ những ưu đãi này.
Hy vọng, với những đề xuất cụ thể, thiết thực từ đại diện các không gian sáng tạo, những người thực hành văn hóa, bộ tiêu chí sẽ là công cụ để cộng đồng những người hoạt động văn hóa, sáng tạo kết nối, hỗ trợ trong hoạt động, sản xuất, đồng thời họ cũng được Nhà nước bảo trợ, hỗ trợ. Đây cũng là “đòn bẩy” khích lệ, huy động những người làm sáng tạo, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hình thành và tham gia Mạng lưới các không gian sáng tạo tại Hà Nội.
Từ những mô hình không gian văn hóa sáng tạo ban đầu sẽ nhân rộng, ươm mầm những không gian sáng tạo mới, từ đó có nhiều không gian sáng tạo phát triển bền vững, vì mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.