Sáng tạo trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Thời gian qua, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các đơn vị chọn những nơi trang trọng nhất tổ chức thiết kế, trưng bày sáng tạo những tác phẩm, chương trình, thơ ca, nhạc, kịch, cải lương... sáng tác về Bác, tạo nên không gian văn hóa ý nghĩa và hấp dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân, người lao động ở khu nhà trọ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân xem tư liệu, thông tin tại nơi tổ chức "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Công nhân, người lao động ở khu nhà trọ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân xem tư liệu, thông tin tại nơi tổ chức "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh".

Có mặt tại trụ sở phường Bình Trị Đông vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí trang trọng, ấm áp ở Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Đảng bộ phường vừa khánh thành.

Đồng chí Võ Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phấn khởi chia sẻ: “Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là để bày tỏ lòng thành kính với Bác, đồng thời thể hiện niềm tự hào về quá trình xây dựng và phát triển phường trong 20 năm qua (2003-2023). Qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thêm tích cực học tập và làm theo Bác, góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị địa phương”.

Tại Chùa Long Thạnh (phường Tân Tạo), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện trang nghiêm với những đầu sách, tư liệu và nhiều hình ảnh. Bên cạnh những tư liệu, hình ảnh thể hiện sự quan tâm của Bác đối với tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, còn có nhiều tài liệu quý nói về sự tôn trọng của Bác đối với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Khách đến viếng tượng Đức Phật Thích Ca, tượng Bồ tát Di Lặc, vườn Lâm Tì Ni ở sân trước chùa đồng thời có thể tới dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian ấm cúng. Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại chùa đã góp phần cổ vũ, động viên tăng, ni, phật tử luôn sống theo phương châm “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bình Tân Nguyễn Việt Quế Sơn, xác định xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Bình Tân lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Quận ủy Bình Tân đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội… tập trung xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với việc nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong công tác tuyên truyền, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải đồng bộ, hài hòa về văn hóa vật thể liên quan đến thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người. Hình thức trưng bày, triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thiết thực, sáng tạo, gần gũi, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, địa điểm thuận lợi.

Trên không gian mạng, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ được thông qua các trang tin điện tử, các trang mạng xã hội do các đơn vị trong hệ thống chính trị thành lập. Tại đây, có mở các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về các nội dung liên quan văn hóa Hồ Chí Minh gắn với văn hóa thành phố mang tên Bác, văn hóa Việt Nam.

Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Tân Nguyễn Thị Bé Hai cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn quận Bình Tân, tại các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã xây dựng và ra mắt 133 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh (tại trụ sở cơ quan, đơn vị: 29; tại trường học: 61; tại khu phố: 22; tại cơ sở tôn giáo: 12; tại doanh nghiệp: sáu; tại khu lưu trú, nhà trọ: một; tại chung cư: một; tại chợ: một). Điển hình, Ban Thường vụ Quận ủy đã đưa vào hoạt động Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và Phòng Truyền thống Đảng bộ quận.

Tính đến nay, trên địa bàn quận Bình Tân, tại các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã xây dựng và ra mắt 133 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh (tại trụ sở cơ quan, đơn vị: 29; tại trường học: 61; tại khu phố: 22; tại cơ sở tôn giáo: 12; tại doanh nghiệp: sáu; tại khu lưu trú, nhà trọ: một; tại chung cư: một; tại chợ: một).

Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Tân Nguyễn Thị Bé Hai

Đây là nơi lưu giữ và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, ghi dấu những chặng đường hình thành và phát triển của Đảng bộ quận Bình Tân trong 20 năm qua. Đây cũng là nơi để cán bộ, đảng viên nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các gương điển hình học tập và làm theo Bác trên địa bàn, lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận Bình Tân; nơi các cấp ủy, đơn vị tổ chức sinh hoạt chính trị định kỳ, sinh hoạt truyền thống, tổ chức lễ kết nạp đảng viên.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (phường Bình Trị Đông A), xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được sáng tạo qua việc trình bày thêm những hình ảnh quê hương, gia đình và tuổi thơ Bác; mô tả kỹ hơn về hành trình đi tìm đường cứu nước và những hoạt động yêu nước của Người.

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, việc tổ chức thực hiện các bài viết, ghi cảm tưởng của học sinh đối với Bác Hồ tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường đã góp phần thúc đẩy giáo dục thường xuyên đối với học sinh để xây dựng nền tảng đạo đức, giáo dục truyền thống và hướng tới tương lai; giúp các em thêm tự hào về Tổ quốc, về tấm gương “học nữa, học mãi” của Bác Hồ kính yêu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Mậu dịch Mỹ Nga vừa ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nét riêng là có góc trưng bày các câu nói liên quan đến tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, tình cảm của Bác Hồ với công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ðiểm nhấn của không gian là các hiện vật trưng bày được xếp thành các mô hình “Bến Nhà Rồng”, “Bác Hồ và hoa sen” rất đẹp mắt và đầy sáng tạo, vừa trang nghiêm, vừa ấm cúng rất phù hợp với công nhân, tạo tinh thần lạc quan, đồng thời giúp công nhân, lao động dễ tiếp cận tư tưởng cách mạng gắn với quá trình lao động, sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Việt Quế Sơn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bình Tân khẳng định: Thời gian tới, quận tiếp tục chú trọng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để giáo dục tư tưởng, thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn gương mẫu, tiên phong trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Cùng với đó, quận quan tâm sáng tạo Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của vùng đất, con người quận Bình Tân. Qua đó lan tỏa, nhân rộng, tiếp tục đưa việc học tập, làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày, góp phần xây dựng quận ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.