Tạo dựng giá trị trong kinh doanh

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đề ra quan điểm: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nhân tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nhân tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đây là lần đầu trong lịch sử 81 năm của Đảng, chúng ta có nghị quyết về phát huy vai trò doanh nhân. Sau hơn 10 năm đưa Nghị quyết 09-NQ/TW vào cuộc sống, có thể khẳng định, đội ngũ doanh nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Đến nay, đội ngũ này đã và đang là lực lượng chủ công phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Với gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, cùng hàng triệu doanh nhân đang đóng góp vào nền kinh tế hơn 60% GDP, 30% số lao động đang làm việc. Thậm chí Việt Nam đã có bảy doanh nhân lọt vào tốp “tỷ phú USD” toàn cầu năm 2022.

Đáng mừng hơn, Việt Nam có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm mang thương hiệu quốc gia với một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị trên thị trường thế giới như: Vietnam Airlines, Viettel, Vinamilk, Habeco, Thaco, TH True Milk, gạo ST25,... Song, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng.

Mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 đang là thách thức lớn; chất lượng, năng lực của doanh nghiệp, đạo đức của một số doanh nhân còn hạn chế.Trách nhiệm với xã hội, văn hóa kinh doanh chưa được đề cao; các doanh nhân còn thiếu liên kết, cũng như sự am hiểu về pháp luật và năng lực kinh doanh, khả năng cạnh tranh và hội nhập...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, nhất là khi các FTA thế hệ mới đang trong giai đoạn cắt giảm thực chất hơn, thị trường được mở rộng, hơn lúc nào hết, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần không ngừng nâng cao bản lĩnh, năng lực chuyên môn để có thể nắm bắt cơ hội, tạo lập vị thế, vai trò trên trường quốc tế, từng bước thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn.

Để làm được điều này, đội ngũ doanh nhân Việt Nam thế hệ mới cần có tầm nhìn toàn cầu, phát huy tính sáng tạo, tạo dựng được giá trị trong kinh doanh, từ đó, cải thiện vị trí, vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu…

Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân cũng cần sớm khắc phục những hạn chế, nâng cao nhận thức về đạo đức, liêm chính trong kinh doanh, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo đảm sự phát triển bền vững trong thời kỳ mới