Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam

NDO -

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tổ chức Hội nghị lần thứ nhất.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập.

Hội nghị đã công bố các quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, Kế hoạch xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW; Báo cáo tình hình triển khai thực hiện và công việc tiếp theo.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định, thực hiện chủ trương xây dựng, hoàn thiện và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, số lượng và quy mô các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta không ngừng lớn mạnh trong thời gian vừa qua, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Trên thực tế, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam đã đóng vai trò rất quan trọng  không chỉ vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, mà còn đóng góp vào việc tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ cho xóa đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu là tiếp tục làm sao để đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở tầm vóc mới, bảo đảm tương xứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.

Hiện nay, theo con số thống kê, có hơn 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Nếu chỉ tính các hộ kinh doanh có mã số thuế, đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã có gần 4 triệu người, còn nếu xét cả các hộ kinh doanh không có mã số thuế, chúng ta đã có hơn 7 triệu doanh nhân. Có 6 doanh nhân lọt vào tốp "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trong quá trình hoạt động kinh doanh, tham gia vào đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân còn gặp nhiều vướng mắc và khó khăn dẫn đến việc phát triển doanh nghiệp về chất lượng và số lượng còn hạn chế. Chưa có nhiều sản phẩm, thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trên thị trường khu vực và toàn cầu.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới, đặc biệt là dưới tác động của quá trình hội nhập sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, thay đổi về địa chính trị, nhằm góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu nhất trí đánh giá việc tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực, do đó công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện tổng kết cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt, bảo đảm các tiêu chí cũng như thời gian theo kế hoạch.

Thống nhất với ý kiến của các đại biểu, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Hội nghị của Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập; sự tham gia, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến rất tâm huyết, có trách nhiệm của các đại biểu vào dự thảo đề cương báo cáo tổng kết, các kế hoạch khảo sát, tổ chức tọa đàm. Đồng chí đề nghị, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập cần tiếp thu, chỉnh sửa, xây dựng hoàn thiện các dự thảo để bảo đảm việc Tổng kết Nghị quyết đạt kết quả tốt nhất, đúng tiến độ đề ra.