Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới

NDO - Chiều ngày 15/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 9-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 9-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chủ trì buổi làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Tham dự có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết; đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành và đại diện cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân.

Năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 9-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 9-NQ/TW, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Chất lượng đội ngũ doanh nhân cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sĩ/tiến sĩ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.

Tại buổi làm việc, các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp có mặt trực tiếp tại Hội nghị cũng như tham gia trực tuyến tại các đầu cầu đã tập trung thảo luận đánh giá kết quả việc triển khai Nghị quyết 9 và thống nhất khẳng định Nghị quyết với các chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đi vào cuộc sống, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, kể cả trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã.

Nổi bật là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Vai trò, vị trí của doanh nhân đã được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) và các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII;

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá là đã có sự cải thiện rõ rệt. Vị thế của Việt Nam trong các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế đang dần được nâng cao, hầu hết đều thuộc vào nhóm nửa trên - một nửa số quốc gia và nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt trên thế giới và đang dần chứng tỏ có thể là đối thủ tiềm năng khi đối chiếu với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, theo báo cáo PCI có xu hướng cải thiện.

Hệ thống luật pháp đã từng bước được cải thiện, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và thể hiện thực chất hơn về “quyền tự do kinh doanh”, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, tăng về quy mô; sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu uy tín, một số sản phẩm đã có thương hiệu ở phạm vi quốc tế; trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội, đối với người lao động ngày càng cao.

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai Nghị quyết trong thực tiễn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân. Trong đó, có thể kể đến như:

Việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm, việc xây dựng và triển khai thực hiện một số văn bản, đề án thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về một số lĩnh vực còn chưa đạt so với yêu cầu.

Hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn chứa đựng nhiều điểm hạn chế, vướng mắc và cản trở phần nào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh vẫn còn có điểm mâu thuẫn, chồng chéo khiến cho quy trình thực hiện đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc.

Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh hạn chế, quá trình cải thiện còn kém ổn định và bền vững, vẫn ở mức trung bình so với ASEAN và thế giới, chưa đạt mục tiêu lọt vào nhóm 3-4 của ASEAN.

Phát triển trong một số lĩnh vực của nền kinh tế chưa đồng bộ, chưa bền vững, khả năng dự báo chưa cao. Quy định pháp luật trong một số trường hợp chưa phù hợp và theo kịp với tình hình thực tiễn biến chuyển nhanh chóng, phát sinh nhiều vấn đề mới, khó dự báo, chưa có tiền lệ.

Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, văn hóa kinh doanh chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Đồng chí Trần Tuấn Anh yêu cầu Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 9 nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, nhất là phần đề xuất về các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 9-NQ/TW.