Tạo đột phá từ cửa khẩu số ở Lạng Sơn

Từ cuối tháng 2/2022 đến nay, tỉnh Lạng Sơn chính thức vận hành nền tảng cửa khẩu số, ở tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất, nhập khẩu qua biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, giám sát thực hiện khai báo trên nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc).
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, giám sát thực hiện khai báo trên nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc).

Hiện 100% các xe hàng khai báo và xử lý thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số khi thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng).

Hiệu quả từ cửa khẩu số

Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ, có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho phát triển xuất, nhập khẩu của cả nước qua địa bàn và đầu cầu quan trọng kết nối khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN và Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Với những lợi thế đó, trong những năm qua, tỉnh đã phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt từ năm 2022, tỉnh đã chính thức vận hành nền tảng số cửa khẩu tạo bước đột phá trong hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới.

Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư lắp đặt 11 barie tự động và 11 cân điện tử tại tất cả các Cổng B1, B2, B0 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; lắp đặt 16 cân điện tử tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, Chi Ma... Theo đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải khai báo 100% trên cửa khẩu số khi thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh.

Hiện nay, nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đã kết nối với nền tảng cơ sở dữ liệu hải quan của Tổng cục Hải quan và cơ sở dữ liệu đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải.

Tạo đột phá từ cửa khẩu số ở Lạng Sơn ảnh 1

Công chức hải quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc (Lạng Sơn) kiểm tra theo dõi hàng hóa thông quan qua nền tảng cửa khẩu số.

Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng cho biết: Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ra Nghị quyết số 49/NQ/TU, ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh triển khai 5 trụ cột chính là: chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số.

Sau hai năm triển khai, đến nay Lạng Sơn đã tạo ra một nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: AI, Bigdata, Cloud và bảo đảm về an toàn thông tin giúp doanh nghiệp, các lực lượng chức năng thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất để giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch.

Hiện nay, nền tảng cửa khẩu số của tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, có 2.092 tài khoản đăng ký sử dụng (trước đây chỉ có 1.800 tài khoản sử dụng); 100% các doanh nghiệp khai báo trực tuyến.

Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) Hà Thị Kim Dung chia sẻ: Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động đã giảm bớt được rất nhiều thời gian, thủ tục, công sức, cũng như khối lượng công việc của công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc tại các cửa khẩu.

Nếu như trước đây, mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trung bình doanh nghiệp phải khai báo 5 loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải “chạy đi, chạy lại” nhiều nơi. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê và việc nhập dữ liệu chậm dẫn tới hay bị ùn tắc tại các cổng. Khi áp dụng nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin một lần và các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê.

Giờ đây, doanh nghiệp, thương nhân, lái xe không cần đến tận nơi để kê khai xuất nhập khẩu, bởi trên ứng dụng cửa khẩu số đã có sẵn tính năng này.

Doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 2 đến 5 phút là có thể hoàn thành việc khai báo thông tin về hàng hóa, việc theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu và đã được xử lý ra sao sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Dù còn phát sinh vướng mắc, song hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình áp dụng nền tảng cửa khẩu số.

Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương phấn khởi nói: “Nền tảng cửa khẩu số trên điện thoại hoạt động khá tiện lợi, các doanh nghiệp đều kê khai dễ dàng, doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và kê khai không cố định thời gian nên rất thuận tiện, hoạt động của cửa khẩu cũng được công khai, minh bạch".

Xây dựng cửa khẩu hiện đại

Việc xây dựng cửa khẩu số đã đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và lực lượng chức năng làm việc tại khu vực cửa khẩu. Phó Cục trưởng Cục hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường nhận định: Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động đã giảm bớt được rất nhiều thời gian, công sức, cũng như khối lượng công việc của công chức, viên chức, của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc tại các cửa khẩu.

Trước đây, doanh nghiệp phải khai báo 5 loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải di chuyển xa. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê và việc nhập dữ liệu chậm dẫn tới hay bị ùn tắc tại các cổng.

Khi áp dụng Nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin một lần và các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê. Với khoảng 700.000 lượt xe ra, vào cửa khẩu mỗi năm, chúng ta sẽ thấy nền tảng cửa khẩu số đã đem lại lợi ích to lớn khi giảm thiểu tối đa được công việc cũng như chi phí thời gian, tiền bạc so với trước đây.

Tuy nhiên, do nền tảng cửa khẩu số mới đi vào hoạt động nên còn gặp một số khó khăn như: Chưa có sự kết nối liên thông giữa nền tảng cửa khẩu số với nền tảng cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành Trung ương và các Sở, ban ngành của tỉnh. Cần đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị, phần mềm cho các cơ quan có liên quan.

Tạo đột phá từ cửa khẩu số ở Lạng Sơn ảnh 2

Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc (Lạng Sơn), theo dõi, giám sát xe chở hàng xuất, nhập khẩu qua biên giới.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh khẳng định: Nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn là dự án đầu tiên trên cả nước về chuyển đổi số cho khu vực cửa khẩu, cho nên trong quá trình thực hiện không hề có hình mẫu, quy định, hướng dẫn nào có thể tham chiếu, học hỏi được. Song bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh cũng như sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các cơ quan nhà nước, nền tảng cửa khẩu số đã được khẩn trương thực hiện. Điều đó thể hiện rõ nét hình ảnh một chính quyền “kiến tạo, hành động, vì nhân dân”.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, tối ưu các chức năng bổ sung của nền tảng cửa khẩu số; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên nhóm zalo để hướng dẫn sử dụng và tiếp nhận các thông tin, phản ảnh của doanh nghiệp trong việc sử dụng nền tảng cửa khẩu số, tổng hợp tất cả các kiến nghị, vướng mắc, phát sinh trong quá trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số của doanh nghiệp.

Ghi nhận những nỗ lực đó, năm 2022 tỉnh được nhận giải thưởng Viet Solutions 2022 cho bài toán chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương với Nền tảng cửa khẩu số; là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng cửa khẩu số trong năm 2022 và Nền tảng trợ lý ảo giải pháp tự động trả lời về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp...