Ứng dụng nền tảng cửa khẩu số ở Lạng Sơn

Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động cửa khẩu. Việc triển khai, ứng dụng thành công nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đã được nhận giải thưởng Vietsolutions 2022 hạng mục bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc (Lạng Sơn).
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc (Lạng Sơn).

Bên cạnh đó Lạng Sơn đã vinh dự là một trong bảy cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng cửa khẩu số.

Lạng Sơn có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và chín cửa khẩu phụ, có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế, là đầu cầu quan trọng kết nối khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN và Hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Thực hiện kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng thí điểm nền tảng cửa khẩu số nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu trên nền tảng công nghệ số.

Tạo đột phá phục vụ xuất, nhập khẩu

Trước khi triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số, các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bến, bãi tại cửa khẩu của tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tác nghiệp tại cửa khẩu. Cụ thể, lực lượng Hải quan sử dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan; lực lượng Bộ đội Biên phòng sử dụng phần mềm quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng...

Tuy nhiên, theo đánh giá thì các hệ thống công nghệ thông tin này chưa có sự liên thông, gắn kết thống nhất với nhau...

Phó Trưởng ban Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Những hạn chế nêu trên gây ảnh hưởng tới tốc độ thông quan hàng hóa qua khu vực cửa khẩu.

Mặt khác, do sử dụng nhiều hệ thống phần mềm thiếu tính tổng thể, không đồng nhất tại khu vực cửa khẩu cho nên công tác quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ hoạt động của khu vực cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự đồng nhất về thông tin, có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề không minh bạch,…

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức, xây dựng một nền tảng số dùng chung duy nhất tại khu vực cửa khẩu.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Trọng Hùng, qua khảo sát hiện trạng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tỉnh đã chọn Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc) và cửa khẩu phụ Tân Thanh (Văn Lãng), triển khai nền tảng cửa khẩu số. Kết quả từ tháng 7/2021 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra một nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: AI, Bigdata, Cloud và bảo đảm về an toàn thông tin, giúp các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất.

Hiệu quả ứng dụng nền tảng cửa khẩu số

Theo thống kê, đến nay 100% các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và các xe chở hàng đều được khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh.

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn, Nguyễn Hồng Linh cho rằng: Trước đây, trung bình doanh nghiệp phải khai báo năm loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải di chuyển xa. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê và việc nhập liệu chậm dẫn tới hay bị ùn tắc tại các cổng.

Thời gian vừa qua, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chống vượt tuyến trong toàn bộ các hoạt động của cửa khẩu, hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của con người, các dữ liệu được công khai, chia sẻ với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ giúp ngăn ngừa các tiêu cực phát sinh và sự minh bạch hóa luôn được đáp ứng; thuế, phí sẽ được thu đúng, thu đủ, không thất thoát nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý là toàn bộ hoạt động của cửa khẩu được công khai, minh bạch, doanh nghiệp sẽ biết hàng hóa, phương tiện của mình đang ở đâu, đã được xử lý ra sao...

Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long Huỳnh Văn Long phấn khởi nói: Khi sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và kê khai được từ bất kỳ thời gian nào, thời gian kê khai thông tin hàng hóa chỉ mất từ 2-5 phút, rất thuận lợi.

Hơn nữa là các thủ tục được đơn giản hóa và có thể thực hiện được từ xa thông qua các phần mềm ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị thông minh, góp phần giảm các tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện.

Nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn là dự án đầu tiên trên cả nước về chuyển đổi số cho khu vực cửa khẩu cho nên trong quá trình thực hiện không hề có hình mẫu, quy định, hướng dẫn nào có thể tham chiếu, học hỏi được.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các cơ quan nhà nước, nền tảng cửa khẩu số đã được khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm. “Đến nay có thể khẳng định, mô hình Nền tảng cửa khẩu số ở tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai thành công, hiệu quả. Điều đó thể hiện hình ảnh một chính quyền “kiến tạo, hành động, vì nhân dân...”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu khẳng định.

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục rà soát, tối ưu các chức năng bổ sung của nền tảng cửa khẩu số. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành trung ương có liên quan đến nền tảng cửa khẩu số kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để đồng bộ, liên thông dữ liệu với nền tảng cửa khẩu số của tỉnh.