Ứng dụng công nghệ số tại các cửa khẩu

Thời gian qua, các cửa khẩu tại một số tỉnh biên giới nước ta đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng việc ứng dụng các nền tảng dựa trên các công nghệ số hiện đại. Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này giúp quy trình giải quyết các thủ tục nhanh hơn, công khai, minh bạch hơn, giảm thời gian đi lại, chi phí của người dân, doanh nghiệp, cũng như hạn chế phát sinh tiêu cực trong quá trình giải quyết dịch vụ công. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều này còn hạn chế việc tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh triển khai hệ thống thông quan điện tử giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian và chi phí. (Ảnh QUANG THỌ)
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh triển khai hệ thống thông quan điện tử giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian và chi phí. (Ảnh QUANG THỌ)

8 giờ sáng một ngày đầu xuân, tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai), ông Ngô Việt Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất, nhập khẩu Tiến Thành phấn khởi vì đã hoàn thành việc thông quan lô hàng 150 tấn thanh long xuất khẩu cho bạn hàng phía Hà Khẩu (Trung Quốc) qua cửa khẩu nhanh chóng và an toàn.

Bảo đảm thông quan nhanh, an toàn

Ông Ngô Việt Anh cho biết, từ chiều hôm trước, nhân viên của công ty đã thực hiện khai báo hải quan điện tử trên hệ thống thông quan tự động một cửa VNACCS/VCIS. Chỉ sau vài phút khai báo trên máy tính về chủng loại hàng hóa, đơn giá, số lượng, phương tiện vận chuyển, địa điểm nhận hàng và nộp thuế qua ngân hàng, lô hàng của doanh nghiệp thuộc luồng xanh đã được chấp thuận thông quan. Theo ông Ngô Việt Anh, khai báo hải quan điện tử giúp doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục thông quan ở mọi lúc, mọi nơi, giảm bớt việc đi lại, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí, bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Ông Vũ Văn Tuấn, Chi cục phó Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã thực hiện khai báo hải quan điện tử tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành, cửa khẩu đường sắt Ga Lào Cai; phân loại theo luồng xanh, luồng vàng và luồng đỏ.

Doanh nghiệp truy cập vào hệ thống VNACCS/VCIS, tự khai báo và chịu trách nhiệm, phía hải quan quản lý và tăng cường kiểm tra sau thông quan. Trường hợp lô hàng của doanh nghiệp thuộc luồng xanh thì chỉ mất từ 2 đến 3 giây để thông quan, luồng vàng thì đến hải quan để kiểm tra hồ sơ, còn luồng đỏ thì kiểm tra hồ sơ và hàng hóa. Qua đó, vừa bảo đảm thông quan nhanh, an toàn, vừa nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật hải quan của cá nhân và doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai đang tích cực phối hợp Tập đoàn FPT và VNPT xây dựng kế hoạch chuyển đổi số về quản lý ở các cửa khẩu. Khó khăn nhất là hạ tầng tại các cửa khẩu đang trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện, nhất là cửa khẩu Kim Thành và cửa khẩu Bản Vược, hệ thống bãi kiểm hóa chưa đáp ứng yêu cầu đồng bộ trong công tác chuyển đổi số tại các cửa khẩu. Dự kiến Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số tại các cửa khẩu vào cuối năm 2022.

Tại tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Hải quan Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cửa khẩu. Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao. Ông Phạm Duy Hưng, Đội phó Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô cho biết, hầu hết các thủ tục hành chính phát sinh đều được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại để cung cấp chứng từ cho cơ quan hải quan; thủ tục hải quan được giải quyết nhanh chóng, giảm phát sinh tiêu cực.

Cùng với đó, Cục Hải quan Quảng Ninh triển khai hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM) tại hai cảng biển, 23 kho ngoại quan và một địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2022, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai thực hiện phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp tại địa chỉ: https://e-declaration.customs.gov.vn:8443. Đây là phần mềm thay thế phần mềm miễn phí triển khai theo hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS từ năm 2014 và được triển khai trên nền tảng web, cài đặt tập trung tại Tổng cục Hải quan. Doanh nghiệp chỉ cần có thiết bị kết nối internet là có thể truy cập để khai hải quan, giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư máy móc, trang, thiết bị, chi phí bản quyền phần mềm, đồng thời phần mềm mới giúp doanh nghiệp, người dân sớm tiếp cận và có sự chủ động với những thay đổi của ngành hải quan khi thực hiện hệ thống hải quan số và mô hình hải quan thông minh.

Triển khai Nền tảng cửa khẩu số

Trong số các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tại cửa khẩu thì Lạng Sơn là địa phương có nhiều đột phá nhất trong lĩnh vực này. Từ giữa tháng 1/2022, Lạng Sơn sử dụng thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Khắc Lịch cho biết, sản phẩm Nền tảng cửa khẩu số dựa trên các công nghệ số hiện đại, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), điện toán đám mây (Cloud) kết nối với cơ sở dữ liệu hải quan điện tử, cơ sở dữ liệu đăng kiểm quốc gia, là nền tảng dùng chung, chia sẻ cho các lực lượng cảnh sát giao thông, hải quan, biên phòng, kiểm dịch y tế, động, thực vật, thuế, Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, vận chuyển xuất, nhập khẩu hàng hóa. Từ đó tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp xuất, nhập cảnh, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu. Cùng với đó là thay đổi quy trình để giảm tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu.

Các tổ chức, cá nhân trước khi vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hai cửa khẩu nêu trên phải mở tờ khai trên Nền tảng cửa khẩu số; khai báo thông tin về hàng hóa xuất, nhập khẩu, thông tin về lái xe và thông tin về kiểm dịch y tế. Sau đó, khi lái xe vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoặc cửa khẩu phụ Tân Thanh bắt buộc phải mở định vị GPS và bật ứng dụng Nền tảng cửa khẩu số được cài đặt trên điện thoại thông minh (địa chỉ https://cuakhauso.langson.gov.vn và app Nền tảng cửa khẩu số được đăng tải trên CH Play và AppStore). Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu hàng hóa và lái xe có thể tra cứu tình hình bến bãi, lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hai cửa khẩu nêu trên. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu và lái xe trong nước có thể nhận được các lệnh điều phối giao thông của Cảnh sát giao thông tỉnh Lạng Sơn thông qua Nền tảng cửa khẩu số.

Ông Phạm Tuấn Hoàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hữu nghị Xuân Cương (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ bến bãi, sang tải tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đơn vị nhận thấy việc đưa Nền tảng cửa khẩu số vào triển khai giúp xác nhận thông tin nhanh hơn, từ đó sang tải nhanh hơn. Hiện công ty đã lắp đặt và liên thông hệ thống camera giám sát với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để phục vụ tốt hơn công tác xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp sẽ biết hàng hóa, phương tiện đang ở đâu, đã được xử lý ra sao...

Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường nhận định: Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động giúp giảm bớt thời gian, công sức, khối lượng công việc của công chức, viên chức các cơ quan chức năng và của chính các doanh nghiệp làm việc tại các cửa khẩu. Trước đây, doanh nghiệp phải khai báo năm loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải di chuyển xa. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê, dẫn tới hay bị ùn tắc tại các cổng.

Khi áp dụng Nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin một lần, các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê. Với khoảng 700 nghìn lượt xe ra, vào cửa khẩu mỗi năm, Nền tảng cửa khẩu số đã đem lại lợi ích to lớn khi giảm đến mức thấp nhất công việc, chi phí thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp so với trước đây. Trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng Nền tảng cửa khẩu số hạn chế được việc tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch cho các cán bộ tác nghiệp tại cửa khẩu.

Tuy nhiên, do Nền tảng cửa khẩu số mới đi vào hoạt động nên vẫn còn một số bất cập như: chưa có sự kết nối liên thông giữa Nền tảng cửa khẩu số với nền tảng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương và các sở, ban, ngành của tỉnh. Cần đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị, phần mềm cho các cơ quan có liên quan. Chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp do phải thao tác, khai báo nhiều lần...

Do đó, cùng với việc triển khai, các bộ phận liên quan của tỉnh Lạng Sơn đang từng bước khắc phục những bất cập, để sau khi kết thúc thí điểm vào cuối tháng 6/2022 có thể triển khai chính thức nền tảng này tại các cửa khẩu còn lại trên địa bàn tỉnh, tạo thêm thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế số của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh miền núi biên giới này.

HƯƠNG TRÁNG và HỒNG THỌ