Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Thủ đô năm 2012 và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định theo hướng đẩy mạnh phân quyền cho thành phố được chủ động ban hành thêm một số biện pháp nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà ở, chính sách phát triển đô thị gắn với bảo tồn nội đô lịch sử và phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô.
Tăng sự chủ động cho chính quyền thành phố
Về quản lý, sử dụng đất đai, so với quy định tại Điều 15 Luật Thủ đô năm 2012, Điều 30 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có một số điểm mới như phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cơ chế chia sẻ lợi ích từ nguồn thu của các dự án giữa doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thương mại, dịch vụ với Nhà nước, người dân có đất bị thu hồi. Tương đồng với chính sách đặc thù thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, Dự thảo Luật giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn của Thủ đô.
Tạo cơ chế đủ mạnh để Hà Nội phát triển xứng tầm
Một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được Dự thảo Luật quy định hướng tới việc tạo cơ chế linh hoạt cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, người dân như: Giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, không có đất thì bồi thường bằng tiền; nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất thì có thể bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất bị thu hồi hoặc nhà ở; chính sách hỗ trợ việc làm cho người có đất bị thu hồi…
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định phân quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Thủ đô; cho phép thành lập mới doanh nghiệp do thành phố nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô.
Tại Dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được trao quyền quyết định việc cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hằng năm mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất với các điều kiện cụ thể. Quy định này tương đồng với chính sách đặc thù thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Gỡ khó cho “câu chuyện” nguồn lực phát triển
Nguồn lực cho đô thị lấy từ đâu là câu hỏi của tất cả các đô thị, không riêng gì Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên với Thủ đô, câu hỏi này trở nên hóc búa hơn khi nhu cầu cho phát triển quá lớn. Thực tế, hiện Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách cho những dịch vụ ngoài “công ích”, cho nên rất khó để thu hút đầu tư, khai thác. Việc triển khai đầu tư hạ tầng theo đúng quy hoạch đang thể hiện rõ nhất điều này.
Trao đổi tại một diễn đàn về đô thị, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, kể từ khi Luật Đối tác công tư có hiệu lực, cơ chế đầu tư xây dựng-chuyển giao (BT) không được áp dụng, Hà Nội rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư cho hạ tầng. Trong khi đó, đầu tư cho hạ tầng đô thị của thành phố đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Bởi vậy, cơ chế đầu tư là vấn đề rất quan trọng trong việc tạo ra động lực cho phát triển đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng.
Bài 1: Cơ chế đặc thù trong công tác quy hoạch
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá, nguồn lực để chỉnh trang tái thiết đô thị rất lớn, chưa ai tính được để thực hiện được quy hoạch của 865 đô thị trên cả nước thì tốn bao nhiêu tiền. Bộ Xây dựng đã rà soát sơ bộ với Hà Nội, để thực hiện quy hoạch được phê duyệt năm 2011, chỉ tính riêng cho đô thị trung tâm, chưa nói đến đô thị vệ tinh, Hà Nội cần tới 300 tỷ USD cho giai đoạn đến năm 2030.
Gỡ khó cho vấn đề này của Hà Nội, không gì khác ngoài chính sách, cơ chế. Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ VI của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã tán thành việc cho phép thành phố Hà Nội thực hiện hợp đồng BT trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất để kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất.
Tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các nội dung về phát triển, khai thác không gian ngầm cũng có các quy định mới nhằm cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đáng chú ý, để có thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng cho các tuyến đường sắt đô thị, Dự thảo Luật xác định giải pháp triển khai các dự án phát triển đô thị theo định hướng TOD nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa, thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm, không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường.
Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam phân tích: Về mặt kinh tế, khi sử dụng đúng cơ chế TOD và khai thác được các nguồn lực, chúng ta sẽ bớt nguồn lực vay vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, tổ chức tín dụng tài chính quốc tế; từ đó, giúp chúng ta tự chủ về tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến dư nợ về nợ công của Thủ đô và trần dư nợ công của cả nước. Khi đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước có thể tạo ra một dư địa mới để phát triển Thủ đô như về lĩnh vực khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa.