Trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), không gian ngầm là một nội dung được đánh giá là quan trọng và khó.
Qua rà soát cho thấy, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xây dựng, quản lý, khai thác không gian ngầm, khoảng không công trình ngầm; do đó, chưa có cơ chế để khai thác, phát huy hiệu quả trong các hoạt động phát triển không gian ngầm đô thị.
Việc phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm mới chỉ chú trọng phát triển hệ thống giao thông động..., trong khi đó, với yêu cầu phát triển ở khu vực nội đô lịch sử thì không gian ngầm có vai trò rất lớn trong việc giải quyết những vấn đề rất khó như hệ thống công trình giao thông tĩnh.
Cần coi trọng phát triển không gian ngầm
Để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng và bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực nội đô lịch sử, khoản 4 Điều 22 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác không gian ngầm, khoảng không công trình ngầm trên địa bàn Thủ đô.
Trong quá trình lấy ý kiến đối với đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia cũng lưu ý Hà Nội về phát triển không gian ngầm.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Nếu không có không gian ngầm thì đừng nói đến phát triển. Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch không gian ngầm và thậm chí là đô thị ngầm”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần rà soát lại hiện trạng không gian ngầm hiện nay, từ đó xác định quy hoạch cần làm gì khi không gian ngầm chưa phát huy được tiềm năng.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội, phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm.
Hà Nội có nhiều thuận lợi khi là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong giai đoạn hiện nay, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô đều đang đặt ra vấn đề này một cách trọng điểm, đồng bộ.
Để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 10 Luật Thủ đô năm 2012, khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền mạnh hơn cho thành phố Hà Nội so với Luật Kiến trúc, theo đó, giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp quản lý không gian đô thị, không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, vùng di sản đối với khu nội đô lịch sử, khai thác cảnh quan sông Hồng và các trục cảnh quan theo Quy hoạch chung Thủ đô; các nguyên tắc và điều kiện xây dựng riêng trong khu vực nội đô lịch sử và các đô thị của Hà Nội về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Minh bạch hóa quyền sử dụng không gian ngầm
Góp ý vào nội dung về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định cho phù hợp nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất; đồng thời, cần cụ thể mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.
Cũng liên quan tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất cần quy định ngay trong Luật; người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất.
Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch, nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ. Việc xác định giới hạn độ sâu 15m là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Về quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại khoản 2 Điều 19, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, đây là nội dung khó, phức tạp và là mối quan tâm của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Thực tế nhiều nước đang triển khai rất tốt việc quản lý, sử dụng không gian ngầm.
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định.
Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực.
(Còn nữa)
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14/5/2024.