Sửa đổi Luật Thủ đô phù hợp thực tiễn

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật này cho phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị giữa Thường trực Thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH)
Hội nghị giữa Thường trực Thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH)

Luật Thủ đô đã giúp cho Hà Nội có công cụ pháp luật riêng để tăng cường quản lý phát triển đô thị; tạo cơ chế để các ngành cùng tham gia với Hà Nội. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu đã giúp thành phố chủ động trong quy hoạch, xây dựng, thu hút các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh để khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước.

Cần thiết sửa đổi

Theo các chuyên gia và dưới góc độ của các cơ quan quản lý, thực tế cho thấy còn không ít vướng mắc mà Hà Nội không thể giải quyết được. Vẫn còn một số nội dung của Luật Thủ đô còn chậm được ban hành văn bản quy định chi tiết để kịp thời thực hiện thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật.

Như đối với công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QÐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Ðiều 15 Luật Thủ đô. Ðến nay, mới có hai cơ sở y tế đã di dời (gồm Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương), trong khi đó, dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh, nhất là ở nội thành. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Thị Giang Hương cho rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mất nhiều thời gian, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có thêm quy định về biện pháp ngoài những quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết, xử lý đối với các dự án có sử dụng đất còn tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn thành phố, gồm cả các dự án đầu tư trước thời điểm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008. Theo ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc (Bộ Xây dựng), để nâng cao hiệu quả thi hành Luật, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thi hành Luật Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể để xây dựng Luật Thủ đô phù hợp thực tế.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp nhận định, vướng mắc về cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội đang lãng phí nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, Hiệp hội hy vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư có thể hỗ trợ cùng nguồn vốn ngân sách, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Tăng chủ động, bảo đảm khả thi

Từ thực tế này, Hà Nội đề xuất việc sửa đổi toàn diện nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

Về định hướng xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố Hà Nội đề xuất chín nhóm chính sách, gồm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô. Song song đó, huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động theo quy trình xây dựng Luật và dự kiến 14 nội dung hoạt động chính theo các mốc thời gian cụ thể. Theo lộ trình dự kiến, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu cuối năm 2023 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy diễn ra tháng 5/2024...

Tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao sự chủ động của thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) thời gian qua; đồng thời khẳng định, Bộ Tư pháp nhất trí với lộ trình và các đề xuất của thành phố, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm cơ chế, chính sách vượt trội, khả thi cho Hà Nội phát triển.