Mới có hơn 70 cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác xã hội

Đến nay, đã có hơn 70 trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. Hệ thống này góp phần đào tạo và dạy nghề công tác xã hội cho khoảng 6.500 người mỗi năm.
0:00 / 0:00
0:00
Đại học Lao động xã hội cơ sở II có đào tạo ngành công tác xã hội (Ảnh: ldxh.edu.vn).
Đại học Lao động xã hội cơ sở II có đào tạo ngành công tác xã hội (Ảnh: ldxh.edu.vn).

Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, đến nay, đã có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. Trong số này, có 4 trường đào tạo bậc thạc sĩ, 2 trường đào tạo bậc tiến sĩ công tác xã hội. Hằng năm, các cơ sở tổ chức trên đào tạo và dạy nghề cho khoảng 3.000 người, đào tạo công tác xã hội hệ vừa làm, vừa học cho khoảng 3.500 lượt chỉ tiêu/năm. Con số này đã tăng nhiều so với thời điểm năm 2010, khi mới chỉ có 1 đến 2 cơ sở đào tạo trung cấp công tác xã hội.

Đây là thông tin được ông Tùng chia sẻ tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp” diễn ra gần đây.

Cũng theo ông Tùng, hiện cả nước đã hình thành, phát triển được 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong số này, có 195 cơ sở công lập, 230 cơ sở ngoài công lập.

Trên toàn quốc cũng đã hình thành mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến huyện. Mô hình này cũng xuất hiện trong trường học, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ. Các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội. Theo đó, có khoảng 235 nghìn người làm công tác xã hội, hơn 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng.

Cũng theo ông Tùng, trên toàn quốc, số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, hàng chục triệu người. Đó là các nhóm đối tượng gồm: Người nghèo, người cao tuổi; người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người bán dâm, người bị bạo lực, bạo hành; người mắc tệ nạn xã hội…

Cụ thể như, với dân số 100 triệu người của nước ta, có 12% người cao tuổi, hơn 7% là người khuyết tật; 8% dân số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó là gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hơn 230 nghìn người nghiện; hàng trăm nghìn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có các vấn đề trong cuộc sống.