Tăng tốc triển khai năm dự án giao thông trọng điểm

Bài 2: Phát huy hiệu quả các cơ chế mới, đặc thù

Ngoài việc được Trung ương cho phép áp dụng cơ chế đặc thù riêng, các địa phương còn có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ triển khai năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
Thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)
Thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)

Các giải pháp này đã phát huy tối đa tác dụng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Năm dự án giao thông trọng điểm được triển khai dịp này đều được áp dụng cơ chế đặc thù về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo đó giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công dự án. Bên cạnh đó, các địa phương có các dự án đi qua cũng có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Tăng tính chủ động của địa phương

Để thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ về tiến độ bàn giao mặt bằng thi công đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đòi hỏi khối lượng bàn giao 70% mặt bằng, tương đương 287,307ha trước 30/6/2023 là áp lực không nhỏ đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu làm theo cách thông thường là chờ phê duyệt dự án, ban hành thông báo thu hồi đất hết 180 ngày mới ban hành quyết định thu hồi đất, thì dự kiến đến ngày 7/7/2023 mới bắt đầu công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và đến tháng 8/2023 mới có mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư thi công các gói thầu xây lắp. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã xây dựng một số giải pháp đột phá để có thể đạt được kết quả như tinh thần của Nghị quyết 105/NQ-CP.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực cho biết: Sở đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh tiến hành công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân cung cấp hồ sơ pháp lý, cho phép đo đạc kiểm đếm trước khi ban hành Thông báo Thu hồi đất trên cơ sở Hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo Quyết định số 3279/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố. Kết quả có 1.641/1.689 trường hợp cho đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất, đạt tỷ lệ 97,16%, thể hiện sự đồng thuận của người dân với chủ trương của thành phố rất cao.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chia làm hai giai đoạn thực hiện công tác đền bù. Trong đó, giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo Điều 67 Luật Đất đai 2013. Giai đoạn 2 áp dụng cho các trường hợp còn lại (các hộ có đất ở không đồng thuận cho thu hồi đất trước theo khoản 2 Điều 67 Luật Đất đai 2013).

Đây là cách làm mới so với các dự án khác, có thể tiết kiệm được hơn 90 ngày so với kế hoạch đề ra, giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành và vượt chỉ tiêu bàn giao mặt bằng do Chính phủ giao, bảo đảm các gói thầu được khởi công đúng tiến độ vào ngày 18/6.

Ông Võ Trung Trực phân tích

Khi bắt đầu triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã quán triệt các đơn vị, địa phương: “Các công việc triển khai thực hiện dự án phải làm cùng một lúc và phải quyết tâm làm bằng được”.

Thành phố cũng triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; triển khai đồng thời việc thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu, để rút ngắn tiến độ.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội - chủ đầu tư dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô cho biết, nhờ việc triển khai đồng thời các công việc trên, đến nay, dự án thành phần 1.1 (giải phóng mặt bằng dự án, đoạn trên địa bàn Hà Nội) và dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường đô thị) đã được phê duyệt, đã lựa chọn xong nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát. Ban quản lý dự án đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư - PPP) trình Hội đồng Thẩm định nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 20/6.

Một giải pháp đột phá nữa giúp cho công tác giải phóng mặt bằng đi trước một bước, đó là tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập. Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc, mà có thể triển khai sớm công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, bảo đảm việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.

Để tăng tính chủ động của địa phương, Hà Nội đã giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho bảy quận, huyện có tuyến dự án Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.

Thực tế cho thấy, khi được giao nhiệm vụ, địa phương nào cũng rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ của cả dự án.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết: Bốn huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm của Hưng Yên có chiều dài 19,3km đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua, đã triển khai đồng thời việc công khai, vừa phát phiếu xin ý kiến nhân dân về phương án bồi thường; và tiến hành chi trả tiền ngay khi nhân dân thống nhất với nội dung phương án bồi thường. Từ ngày 16 đến ngày 21/6, các huyện đã đồng loạt chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 120ha đất, đạt khoảng 70,2%. Tỉnh phấn đấu đến ngày 30/6 chi trả hơn 80% diện tích bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Nỗ lực hoàn thành dự án đúng thời hạn

Như vậy, cho đến ngày 25/6, năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm: đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và ba cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đều đã được khởi công. Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân các tỉnh, thành phố có các dự án đi qua.

Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, công việc thời gian tới còn rất lớn và còn nhiều thách thức, bởi phần diện tích mà các tỉnh, thành phố đã giải phóng mặt bằng thời gian qua hầu hết là diện tích đất nông nghiệp, đất công, còn phần diện tích đất ở của các hộ dân cần giải phóng mặt bằng cùng việc bố trí tái định cư với nhiều khó khăn, phức tạp và dễ phát sinh khiếu nại sẽ được triển khai trong sáu tháng cuối năm 2023, phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, sau khi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột được khởi công vào ngày 18/6, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án tiếp tục được ưu tiên hàng đầu.

Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương quyết liệt triển khai giải phóng mặt bằng với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Đắk Lắk cam kết đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% diện tích mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công theo mục tiêu Chính phủ đề ra; đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan, giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện dự án thành phần 3 bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật…

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu bảy quận, huyện và các cơ quan, đơn vị của thành phố làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu vận động, thuyết phục tạo đồng thuận để không phải cưỡng chế trường hợp nào; hoàn thành các khu tái định cư để 100% hộ dân được về nơi ở mới và hoàn thành thu hồi 100% diện tích trong năm 2023, bảo đảm tiến độ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Cùng với đó, việc bố trí nguồn vật liệu xây dựng đường cũng cần được các địa phương chú trọng bởi tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát, đất đắp, đá... đang diễn ra ở nhiều công trình xây dựng.

Để các công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ, các ngành chức năng và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án cần tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án, tiến độ thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu cả nước có hơn 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, bảo đảm kết nối các vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tất cả các khu vực, vùng miền và cả nước.