Tăng tốc triển khai năm dự án giao thông trọng điểm

Ngày 25/6, dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô chính thức được khởi công xây dựng. Ðây là dự án cuối cùng trong số năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm: đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và ba cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022 và được khởi công sau đúng một năm chuẩn bị. Quá trình triển khai các dự án này có thể xem như hình mẫu mới, ưu việt cho công tác đầu tư hạ tầng với nhiều bài học kinh nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Chi trả tiền bồi thường hỗ trợ và tái định cư do xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua địa phận xã Ðắc Sở, huyện Hoài Ðức. (Ảnh ÐĂNG ANH)
Chi trả tiền bồi thường hỗ trợ và tái định cư do xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua địa phận xã Ðắc Sở, huyện Hoài Ðức. (Ảnh ÐĂNG ANH)

Bài 1: Khi người dân ủng hộ, đồng thuận

Giải phóng mặt bằng là công việc khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông. Năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia mới được khởi công đều là những dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn, trong thời gian cấp bách, đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ đó công tác giải phóng mặt bằng được người dân ủng hộ, đồng thuận, bảo đảm tiến độ đề ra, giúp các dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

Công tác tuyên truyền, vận động được các địa phương thực hiện tốt, giúp người dân trong diện giải tỏa hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng của dự án và những lợi ích được thụ hưởng là yếu tố quyết định sự thành công của công tác giải phóng mặt bằng.

Tăng tốc từ những bước đầu tiên

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô dài 111,2km, đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, trong đó đoạn đi qua Hà Nội dài 58,2km, cần thu hồi hơn 798ha đất liên quan đến 16.633 hộ dân cùng việc di chuyển hơn 10 nghìn ngôi mộ. Khối lượng công việc lớn này phải hoàn thành trong năm 2023, với thời hạn bàn giao từ 60 đến 70% diện tích đất đã giải phóng mặt bằng xong trước quý III/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý IV/2023.

Chính vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp quận, huyện cùng vào cuộc để đạt mục tiêu đặt ra. Các đồng chí Thường trực, Thường vụ Thành ủy đều vào cuộc rốt ráo, xuống từng địa bàn để đôn đốc, kiểm tra, gỡ vướng ngay cho cơ sở.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh còn yêu cầu các cấp, các ngành khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan phải đóng dấu hỏa tốc; nếu nhận được các hồ sơ, văn bản liên quan tới dự án đường Vành đai 4 thì xử lý, giải quyết trong thời gian từ 24 đến 48 giờ. Tinh thần quyết liệt đó đã lan tỏa xuống cơ sở. Bảy quận, huyện có dự án đường Vành đai 4 đi qua đều thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Quận ủy, Huyện ủy làm Trưởng ban và Tổ công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thành lập Bộ phận tiếp công dân phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trực tiếp xuống các thôn, tổ dân phố để thông tin, đối thoại và vận động người dân, giải đáp những vấn đề người dân băn khoăn. Ðơn cử như trường hợp 25 hộ dân ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) mặc dù ban đầu trong quy hoạch dự án, các hộ này không nằm trong chỉ giới đường đỏ, chính vì vậy có gia đình còn đang tiến hành xây dựng nhà cao tầng kiên cố, tuy nhiên sau khi điều chỉnh quy hoạch thì các hộ dân này lại phải thực hiện di dời. Nhưng khi nhận được thông tin về dự án đường Vành đai 4, được lãnh đạo của xã tuyên truyền, các hộ dân đều đồng thuận di dời để bàn giao mặt bằng thi công.

Cùng với công tác giải phóng mặt bằng, thành phố cũng chọn những khu đất có vị trí đẹp, nằm trong quy hoạch để bố trí tái định cư cho các hộ dân. Hà Nội đã chi gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng 13 khu tái định cư trên địa bàn năm huyện (Mê Linh, Ðan Phượng, Hoài Ðức, Thanh Oai, Thường Tín). Hiện nay, các khu tái định cư đang được xây dựng, phấn đấu bàn giao cho các hộ dân vào quý IV/2023, cùng thời điểm người dân bàn giao mặt bằng diện tích đất ở cho chủ đầu tư thi công cho dự án. Nhờ cách làm quyết liệt và bài bản, đồng bộ, đến ngày 23/6, Hà Nội đã thu hồi, bàn giao mặt bằng được 671,16ha (đạt 84,1%), vượt kế hoạch 14,1%, di chuyển được là 6.041 ngôi (đạt 60,18%).

Ðể vận động người dân bàn giao mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã biên soạn nội dung tuyên truyền, vận động công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh ban hành tài liệu tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân. Nhờ đó, thành phố đã thu hồi 335ha đất để thi công dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đạt tỷ lệ 87%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Trung tuần tháng 5/2023, chỉ ba ngày sau khi Ban Bồi thường-Giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn mời đến ký hồ sơ, ông Nguyễn Văn Mái, ngụ ấp 3, xã Xuân Thới Sơn đã nhận được tiền bồi thường do huyện chuyển vào tài khoản ngân hàng. Nhà ông Mái có 6.100m2 đất nông nghiệp nằm trong chỉ giới dự án đường Vành đai 3. Ông Mái cho biết: “Thấy giá đền bù hợp lý, các thành viên trong gia đình đều đồng thuận, nên tôi đồng ý bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương để khởi công dự án. Phần đất còn lại tôi sẽ tiếp tục trồng lúa”.

Công tác tuyên truyền đã giúp người dân tin tưởng, phấn khởi, tự nguyện bàn giao mặt bằng. Ông Trần Văn Mến ở ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) có hơn 4.000m2 đất bị thu hồi để thực hiện dự án cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng chia sẻ: “Người dân ở đây không phải ai cũng hiểu rõ các quy định của pháp luật, do đó, khi nghe có quy hoạch, có đất bị thu hồi, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng, ai cũng lo lắng.

Tuy nhiên, sau khi được các cấp chính quyền phổ biến và giải thích rõ về các vấn đề có liên quan, được thông tin và bảo đảm đầy đủ về quyền lợi, bà con ai cũng phấn khởi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng vì sự phát triển của quê hương, đất nước”. Các dự án cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu cũng được giải phóng mặt bằng nhanh hơn tiến độ dự kiến và đã tổ chức khởi công vào ngày 18/6 vừa qua.

Nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo

Trong quá trình tiến hành giải phóng mặt bằng năm dự án giao thông trọng điểm xuất hiện không ít cán bộ, công chức có cách làm hay, sáng tạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hiệu quả công việc. Ðầu năm 2023, khi tham gia cùng tổ kiểm đếm của xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc (tỉnh Ðắk Lắk) phục vụ dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đồng chí Triệu Thị Hồng Vân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thanh Bình nhận thấy, trong phạm vi thu hồi đất của thôn Thanh Bình và Thanh Xuân có đến 16 phần mộ được chôn cất ngay trong vườn của người dân.

Theo phong tục của đồng bào nơi đây, việc cất bốc các phần mộ thường được tiến hành trước Tết Thanh minh (ngày 3/3 âm lịch). Ðồng chí Vân mạnh dạn đề xuất tổ kiểm đếm ưu tiên thực hiện trước đối với các diện tích đất có mộ, đề nghị huyện ứng trước kinh phí cho các hộ dân di dời các phần mộ theo phong tục. Ðề xuất chính đáng này của Bí thư Chi bộ thôn nhanh chóng được Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc chấp thuận cấp kinh phí để thực hiện. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày trước Tết Thanh minh, 16 phần mộ đã được người dân chủ động cất bốc, di dời về nghĩa trang tập trung dù huyện chưa chính thức ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ chính thức.

Chị Ðàm Thị Ðào ở thôn Thanh Bình, một trong những hộ di dời mộ của người thân để bàn giao đất thực hiện dự án chia sẻ: “Tôi cảm ơn chính quyền các cấp đã lắng nghe, giải quyết kịp thời những đề xuất của gia đình tôi, giúp gia đình lo chu đáo cho phần mộ của mẹ chồng tôi, tạo điều kiện cho gia đình bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sớm”.

Công tác giải phóng mặt bằng được tiến hành khẩn trương, với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, nhưng đòi hỏi chính xác, đúng quy định, nhất là không để xảy ra tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp ủy tổ chức thường xuyên, liên tục trong việc lập, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là việc xác định nguồn gốc đất, diện tích đất đền bù, kiểm đếm tài sản trên đất để xác định chi phí chính xác…

Ủy ban kiểm tra các cấp vào cuộc ngay từ đầu, phối hợp với các địa phương không để xảy ra tiêu cực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân phải di dời. Nhờ đó, người dân tin tưởng, đồng thuận, bàn giao mặt bằng sớm cho chủ đầu tư.

Phó Bí thư chi bộ thôn Hùng Trì (xã Lạc Ðạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) Sái Hồng Tư cho biết: “Sau khi xã triển khai chủ trương và các bước trong công tác giải phóng mặt bằng, chi bộ thôn Hùng Trì họp phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, với phương châm “Ðảng viên gương mẫu làm trước, nhân dân noi theo”. Vì vậy, chỉ cần vài ngày vận động, hơn 50 hộ trong thôn Hùng Trì nhất trí với phương án đền bù đất đai, hoa màu. Ngay gia đình tôi tuy chưa hoàn toàn đồng tình với việc tính toán đền bù về cây cối do chưa kiểm đếm hết số cây trồng; nhưng tôi vẫn nhận tiền, giao đất; còn việc sai sót về cây cối tôi sẽ phản ánh đến lãnh đạo huyện để xem xét giải quyết sau”.

Hay gia đình bà Nguyễn Thị Yến, ở xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ (thành phố Cần Thơ) nằm trong diện di dời, tái định cư để thi công dự án cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cho biết, dù chưa nhận được diện tích tái định cư, nhưng gia đình bà đã tự nguyện di dời, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Bà và những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đều mong muốn cao tốc sớm hoàn thành để góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh hơn.

(Còn nữa)