Chúng tôi về xã Văn Khê khi các công tác chuẩn bị để khởi công khu tái định cư tại thôn Khê Ngoại 2 đang được hoàn tất để khởi công trong tháng 7/2023.
Minh bạch, dân chủ
Vừa chỉ dẫn cụ thể trên sơ đồ, vừa dẫn chúng tôi đi trực tiếp thực địa, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức khẳng định: “Đây là khu đất có vị trí đẹp, thậm chí còn đẹp hơn các khu đấu giá, vì nằm trong khu dân cư, có giao thông kết nối thuận lợi”.
Bí thư Chi bộ thôn Khê Ngoại 2 Nguyễn Văn Thanh cho biết, lúc đầu khi nhận được thông tin phải di dời, tái định cư ở nơi khác, những hộ dân đều tâm tư bởi đã gắn bó, sinh sống nhiều đời ở khu vực này.
Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo huyện đích thân về gặp gỡ, tuyên truyền và sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, việc huyện bố trí khu tái định cư ở vị trí đẹp cũng giúp cho người dân phấn khởi hơn.
“Khi triển khai, chúng tôi đã giới thiệu tất cả các vị trí có thể tái định cư trên địa bàn xã để người dân biết và bỏ phiếu lựa chọn, tinh thần rất dân chủ, minh bạch. Huyện sẽ đầu tư hạ tầng tại đây đồng bộ, khang trang, hiện đại để các hộ chuyển về đây được sớm an cư”, ông Đinh Ngọc Thức thông tin.
Tại xã Đại Thịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Đa Bẩy cho biết, để tạo được sự đồng thuận của người dân, xã tổ chức hàng chục cuộc họp, gặp gỡ, đối thoại với các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp, đất thổ cư bị thu hồi để vận động, tuyên truyền. Nhờ đó, hầu hết các gia đình đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước.
Đến hết tháng 4/2023, xã Đại Thịnh đã hoàn thành phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng và phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được ba đợt, với kinh phí 95 tỷ đồng, bàn giao 11,2ha đất nông nghiệp.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km, chiếm tỷ lệ 19% đoạn tuyến đi qua địa bàn Hà Nội; đi qua 12 thôn thuộc năm xã gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa, với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha của hơn 3.000 hộ dân, trong đó, đất nông nghiệp là 120,3ha và đất ở là 7,05ha, liên quan đến 428 hộ dân; còn lại là các loại đất khác; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.000 tỷ đồng.
Đến nay, huyện đã giải phóng mặt bằng được 99,2% đất nông nghiệp; hoàn thành kiểm đếm cây trồng, tài sản, vật kiến trúc trên đất đối với 428/428 hộ dân (đạt 100% số hộ); đã phát hành Thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân và đang tiến hành công khai dự thảo lần 1 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất và các loại cây trồng, tài sản trên đất. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện đã họp với dân của ba thôn về dự thảo phương án bồi thường đất ở cho các hộ và người dân đều bày tỏ sự ủng hộ cao. Dự kiến đến hết tháng 7/2023, huyện sẽ cơ bản lập xong phương án giải phóng mặt bằng cho 428 hộ.
Lan tỏa sự đồng thuận
Với tinh thần bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân, huyện đang gấp rút triển khai các bước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thi công ba dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất tái định cư thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh), thôn Tân Châu (xã Chu Phan) và thôn Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê). Trong đó, thôn Khê Ngoại 2 có số hộ bị ảnh hưởng đất ở nhiều nhất, với 199 hộ, được huyện bố trí khu tái định cư trên diện tích hơn bảy ha với hạ tầng được thiết kế đầu tư khang trang, hiện đại.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, qua kết quả chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đợt 1 với 268 tỷ đồng đến hơn 700 hộ có đất nông nghiệp trong thời gian hai ngày, không có cá nhân nào kiến nghị liên quan đến dự án, cho thấy sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Để có được kết quả này là nhờ huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện và các xã, thị trấn trực tiếp xuống làm việc, họp với các hộ dân để tuyên truyền, vận động. Các vướng mắc, kiến nghị của người dân được người đứng đầu các cấp trực tiếp đối thoại, giải thích hoặc có văn bản trả lời công khai, minh bạch. Có những nội dung các đồng chí Thường trực Huyện ủy trực tiếp họp, đối thoại nhiều cuộc, làm việc với người tích cực, ủng hộ rồi lan tỏa, đủ “chín” mới họp rộng rãi xin ý kiến nhân dân.
Lãnh đạo huyện chủ động đề xuất, tháo gỡ khó khăn ngay với phương châm “việc gì có lợi cho dân thì khó khăn, vất vả mấy cũng làm”. Điều này thể hiện rõ qua việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu tái định cư thôn Tân Châu, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân; hay việc di chuyển mộ được làm chu đáo, bảo đảm yếu tố tâm linh, thành kính với người đã khuất, kể cả với những ngôi mộ vô danh.
“Đến thời điểm này, chúng tôi tự tin sẽ bảo đảm và vượt mục tiêu giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đề ra. Đây cũng chính là động lực để địa bàn phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới”, lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định.