Cuối tuần, ngày 28/5, tại trụ sở Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh, 45 doanh nghiệp và gần 1.000 người lao động đã có buổi gặp gỡ, tìm hiểu tại ngày hội “Kết nối và giới thiệu việc làm” do quận Bình Thạnh tổ chức. Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) chuyên về may mặc cho biết, đang có nhu cầu tuyển 500 lao động với mức thu nhập từ 8-13 triệu đồng/người/tháng; thưởng cuối năm từ hai đến ba tháng lương; phụ cấp tiền thuê trọ, tiền gửi trẻ 200.000 đồng/tháng...
“Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất cũng như mở thêm nhà máy tại nhiều địa phương cho nên phải tuyển thêm lao động khá nhiều. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, việc tuyển dụng khá khó khăn do nhiều lao động về quê không trở lại thành phố, nhiều bạn trẻ muốn chuyển việc khác. Do vậy, chúng tôi phải kết nối với nhiều đơn vị, trung tâm giới thiệu việc làm, tham gia các ngày hội kết nối và giới thiệu việc làm để thường xuyên, liên tục tuyển lao động”, bà Cẩm Giang, đại diện bộ phận tuyển dụng nhân sự Gilimex cho biết.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp ngày càng tăng, đi kèm với việc tăng lương, thưởng thì chế độ phúc lợi chính là những “điểm cộng” để đơn vị sản xuất, kinh doanh thu hút nhân lực.
Giữa tháng 5 vừa qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày hội tuyển dụng với sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hơn 15.000 vị trí việc làm dành cho người lao động. Phụ trách phòng nhân sự Công ty cổ phần Dệt may Gia Định (quận 1) Nguyễn Thị Phương Thảo thông tin: “Công ty đang có nhu cầu tuyển gấp 300 công nhân lao động phổ thông, thợ may với mức lương dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, công ty còn hỗ trợ các khoản phúc lợi khác như tiền xăng xe, tiền cơm, thưởng chuyên cần, thuê phòng trọ, tiền gửi trẻ…”.
Tương tự, Công ty Luật TNHH Matrix Law Firm (quận Tân Bình) cần tuyển gấp nhiều nhân sự với mức thu nhập trung bình từ 10-30 triệu đồng/tháng. Ngoài mức thu nhập trên, người lao động còn được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động cũng như có cơ hội thăng tiến lên trưởng nhóm, quản lý.
Công ty TNHH Thái Sơn cũng đưa ra mức lương hấp dẫn tới 12 triệu đồng/tháng; cửa hàng tiện lợi Ministop mức lương hơn 7,5 triệu đồng/tháng, làm ca đêm có phụ cấp thêm 30%; Vissan cũng tuyển hàng chục lao động với lương 7 triệu đồng/tháng…
Chị Minh Hà, 42 tuổi, ngụ đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, kỳ vọng sẽ được doanh nghiệp tuyển dụng làm việc. “Sau khi sinh con thứ hai, do dịch Covid-19 nên tôi nghỉ làm và thất nghiệp đến nay. Hiện, các con tôi đã đi học nên tôi có nhu cầu đi làm trở lại. Tôi mong muốn được làm việc ở doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định để lo cho các con”, chị Minh Hà nói.
Thời gian qua, bài toán giữ chân người lao động sau thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp được các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, du lịch đẩy mạnh. Giám đốc Tiếp thị-Công nghệ thông tin BenThanh Tourist Trần Phương Linh cho hay, ngay khi thị trường du lịch khởi sắc, công ty lập tức nâng cao tiền lương, thưởng hằng tháng. Ngoài ra, công ty vẫn luôn cung cấp đầy đủ các phúc lợi cho người lao động như khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền cơm trưa, quà tặng vào các dịp lễ để giữ chân người lao động…
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (FALMI), trong quý II/2022, thành phố cần khoảng 59.600-65.500 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại-dịch vụ chiếm 65,41% tổng nhu cầu nhân lực năm 2022. Tiếp đó là khu vực công nghiệp-xây dựng (33,63%) và khu vực nông-lâm nghiệp, thủy sản (0,96%).
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Kiều Phượng thông tin, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp nhiều địa phương tại thành phố tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Các sàn giao dịch việc làm trực tiếp, mang tính tương tác cao sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị; giảm chi phí tuyển dụng lao động.
Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Đô cho biết, sau dịch Covid-19, nguồn lao động tại thành phố biến động rất nhiều, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở kết nối lại với người lao động sau khi họ về quê để vận động họ trở lại thành phố làm việc. Liên đoàn Lao động thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp gia tăng phúc lợi để chăm lo tốt hơn cho người lao động, nhất là chăm lo người lao động mắc Covid-19 bảo đảm sức khỏe làm việc.
“Nếu doanh nghiệp có nhiều chính sách chăm lo thì người lao động cảm thấy doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai, từ đó họ sẽ ở lại cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn…”, ông Nguyễn Thành Đô nói.