Mục tiêu của hội thảo là thông tin, báo cáo các kết quả nghiên cứu đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao” trong thời gian qua; đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp...
Từ đó, tổ công tác xây dựng đề án có thể định hướng, nhận diện xu thế phát triển các ngành dịch vụ; đề xuất mô hình và xác định các ngành dịch vụ ưu tiên, tiềm năng với quy mô phát triển phù hợp theo từng giai đoạn để thành phố tập trung đầu tư, ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Tiềm năng và kỳ vọng
Theo Sở Công thương, thành phố đóng vai trò “đầu tàu” trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tính đến cuối năm 2023 và 2024, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố đạt lần lượt khoảng 65,5 tỷ USD và 79,5 tỷ USD. Nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP của thành phố và có xu hướng ngày càng tăng, từ 57,7% năm 2010 lên 64,9% vào năm 2023 và lên khoảng 67,7% vào năm 2024.
Hiện tại, chín ngành dịch vụ chủ lực chiếm hơn 90% giá trị khu vực ngành dịch vụ của thành phố, bao gồm: bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
Tuy nhiên, sự phát triển và đóng góp của các ngành dịch vụ hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Đó là lý do Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao”.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Quá trình xây dựng đề án, tổ công tác đã nghiên cứu mô hình của những thành phố phát triển mạnh về thương mại-dịch vụ; mỗi thành phố chỉ chọn hai, ba lĩnh vực làm thế mạnh để tập trung ưu tiên phát triển. Vì vậy, hội thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp...
Trên cơ sở đó, thành phố sẽ định hướng, xác định các ngành dịch vụ ưu tiên, tiềm năng với quy mô phát triển phù hợp theo từng giai đoạn để tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới. Đây là những chất liệu quan trọng để Sở Công thương tiếp tục hoàn thiện, triển khai đề án sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Trong đó, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Theo ông Phương, thành phố phấn đấu đến năm 2045, xây dựng thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của khu vực.
Chính sách hỗ trợ, ưu đãi phải rõ ràng
Theo ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, phù hợp thực tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút kiều bào về nước tham gia đóng góp, xây dựng quê hương. Do đó, thành phố cần đẩy mạnh cung cấp thông tin về chính sách đầu tư mà thành phố đang kêu gọi; những ưu đãi về thuế, giấy phép lao động, nơi ăn ở…
Còn bà Sulina Kaur, chuyên gia phát triển cơ sở hạ tầng Malaysia cho rằng, phát triển mô hình trung tâm dịch vụ lớn cần xác định các yếu tố cốt lõi là cơ sở hạ tầng, yếu tố cộng đồng, môi trường đầu tư ưu đãi và những trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực, thành phố có thể tham khảo bốn mô hình dịch vụ là Trung tâm dịch vụ về tài chính, Trung tâm dịch vụ về đổi mới sáng tạo, Trung tâm về giáo dục và y tế.
Đối với mô hình trung tâm dịch vụ tài chính trên thế giới, thành phố có thể tham khảo và rút ra bài học từ các mô hình Trung tâm tài chính quốc tế Dubai, Trung tâm tài chính quốc tế Busan, Trung tâm tài chính quốc tế Dublin…
Bài học từ các trung tâm tài chính quốc tế này cho thấy, các trung tâm này đóng vai trò trụ cột, và còn thu hút thêm các doanh nghiệp tài chính; từ đó, hình thành nên trung tâm tài chính quốc tế. Tuy vậy, theo bà Sulina Kaur, Nhà nước cần có các ưu đãi hấp dẫn như giảm thuế, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, miễn visa cho các chuyên gia quốc tế… Trong đó, các yếu tố quan trọng vẫn là môi trường kinh doanh ưu đãi, thân thiện; hạ tầng kết nối thuận lợi…
Theo Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch, khi xác định các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại có giá trị gia tăng cao thì cần xác định vai trò của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành này phát triển. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ cần đẩy mạnh phát triển cũng phải phù hợp, đồng bộ với định hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số (chuyển đổi kép) của thành phố cũng như với những chính sách mà thành phố đã ban hành ở một số lĩnh vực liên quan. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng:
Thành phố nên có những giải pháp mạnh mẽ hơn và phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ theo trong việc xây dựng đề án nêu trên. Cùng với đó, trong đề án nên có sự ưu tiên theo cấp độ cho từng nhóm ngành dịch vụ và phân loại ngành nào bắt buộc phải có vai trò trợ lực của chính quyền thành phố, ngành nào có thể để phát triển theo nhu cầu, tín hiệu của thị trường với sự quản lý của cơ quan chức năng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, để hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại có giá trị gia tăng cao, thành phố nên tập trung vào nhóm ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và đặt trọng tâm phát triển, gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; công nghệ thông tin và truyền thông; hoạt động công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục; y tế.