Hàng hóa Tết dồi dào, nhiều chương trình khuyến mãi

Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công thương thành phố cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở An toàn thực phẩm, các đơn vị liên quan phối hợp các tỉnh, thành phố khác tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, cung ứng, nắm chắc tình hình sản xuất tại vùng nguyên liệu.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng chọn mua giỏ quà Tết tại một siêu thị Co.opmart. (Ảnh CTV)
Người tiêu dùng chọn mua giỏ quà Tết tại một siêu thị Co.opmart. (Ảnh CTV)

Những đơn vị liên quan đã xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa; tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung-cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại-Sở Công thương thành phố, cho biết: Lượng hàng hóa phục vụ Tết năm nay trên địa bàn thành phố dồi dào, giá mềm, do các doanh nghiệp và nhà bán lẻ đã có kế hoạch chuẩn bị sớm, nhất là nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Để chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm hơn 8.000 tỷ đồng. Tổng sản lượng hàng hóa thiết yếu do các doanh nghiệp chuẩn bị chiếm từ 25% đến 43% thị phần. Dự kiến, bình quân mỗi tháng (tháng trước và sau Tết), các doanh nghiệp sẽ cung ứng khoảng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau, củ, quả, 200 tấn thủy, hải sản…

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối luôn có sẵn phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ... Về giá cả, các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì mức giá thấp hơn ít nhất 5% so với giá bình quân trên thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng; đồng thời, chương trình bình ổn thị trường cũng không điều chỉnh tăng giá trong một tháng trước và sau Tết.

Để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm, các doanh nghiệp và hệ thống phân phối, bán lẻ còn thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi, giảm giá sâu dành cho nhóm mặt hàng thiết yếu trong những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) cam kết giữ ổn định giá bán trong suốt dịp Tết; đồng thời, giảm giá bán từ 10% đến 20% cho một số mặt hàng thiết yếu. Riêng từ ngày 26/1 đến 28/1 (29 tháng Chạp âm lịch), VISSAN sẽ giảm giá đến 30%. Trong khi đó, hơn 800 điểm bán hàng trên cả nước thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) vừa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu vừa thực hiện khuyến mãi Tết với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về” từ ngày 2/1 đến 28/1, với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá từ 50% trở lên… Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đã có kế hoạch bán hàng gần như xuyên Tết Nguyên đán, chỉ nghỉ ngày mồng 1 Tết.

Để bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa Tết, các doanh nghiệp đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-TNHH Một thành viên (SATRA) đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh và xử lý ngay đối với các sản phẩm chưa đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hàng hết hạn sử dụng; bảo đảm hàng hóa kinh doanh phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. SATRA cũng tăng cường kiểm nghiệm các chỉ tiêu giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như các loại thực phẩm, bánh, kẹo… Còn Saigon Co.op tăng tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2-3 lần so với ngày thường. Các mặt hàng thực phẩm, nhất là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh, mứt, kẹo, giò, chả, rau, củ, quả, trái cây…; được kiểm tra chất lượng ngay tại nơi sản xuất, trung tâm phân phối và kiểm nghiệm nhanh nhiều chỉ tiêu trước khi đưa lên quầy-kệ tại siêu thị, cửa hàng. Được biết, Saigon Co.op và 23 nhà cung cấp (và đang vận động thêm nhiều nhà cung ứng khác) đã tham gia chương trình “Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” (gọi tắt là “Tick xanh trách nhiệm”) ■

Tổ chức hàng trăm chuyến bán hàng lưu động

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-TNHH Một thành viên (SATRA) sẽ phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố triển khai hoạt động bán hàng “Ngày hội công nhân-Phiên chợ nghĩa tình năm 2025”, phục vụ hơn 9.000 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động và người dân thành phố tại Công viên bờ sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức), dự kiến từ ngày 16/1 đến 23/1. SATRA cũng dự kiến thực hiện từ 30 đến 50 chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, công nhân ở các khu chế xuất-khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Dự kiến, trong tháng 1, SATRA sẽ phối hợp Hội Chữ thập đỏ thành phố triển khai bán hàng lưu động tại bảy điểm bán trên địa bàn hai huyện Bình Chánh và Nhà Bè. Riêng từ ngày 5/1 đến 28/1, đội bán hàng lưu động của Satrafoods, Satramart-Siêu thị Sài Gòn, Trung tâm thương mại SATRA Phạm Hùng và Trung tâm thương mại SATRA Củ Chi sẽ tổ chức 19 điểm bán hàng lưu động ở các Quận 3, 5, 6, 8, 10, 11, 12 và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và thành phố Thủ Đức. Còn Saigon Co.op dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp; tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu chế xuất-khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa.