Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt nhiều thách thức lớn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bước sang một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nhất là về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 19-20% vào tốc độ tăng trưởng chung, chiếm 16% quy mô kinh tế cả nước; GRDP bình quân đầu người của thành phố năm 2024 ước đạt hơn 7.500 USD, gấp 1,7 lần cả nước. Cơ cấu kinh tế duy trì theo hướng tích cực, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 64%), khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chỉ 0,5%. Thành phố cũng là trung tâm tài chính, thương mại-dịch vụ, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao của khu vực phía nam và cả nước.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo thường niên về kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện, trong bối cảnh thành phố đang từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định.
Ngành dịch vụ đạt được tốc độ tăng trưởng cao và gần như đã lấy lại được xu hướng tăng trưởng trước dịch Covid-19. Trong khi đó, ngành công nghiệp và xây dựng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và chưa quay lại được với xu hướng tăng trưởng trước dịch Covid-19. Ngành công nghiệp của thành phố đang có những bước chuyển mình đúng hướng, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch vẫn còn chưa đạt yêu cầu.
Các ngành công nghiệp truyền thống (dệt, trang phục và da) nhìn chung đang có xu hướng thu hẹp về sản lượng. Trong khi đó, ngoại trừ ngành hóa dược, các ngành công nghiệp trọng điểm còn lại (lương thực và thực phẩm, điện tử và cơ khí) vẫn chưa có xu hướng gia tăng sản lượng một cách mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
Các chuyên gia cho rằng, thành phố luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài; trong đó, ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực có công nghệ cao, tiên tiến, sản phẩm có giá trị gia tăng. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực của thành phố cũng được nâng cao thông qua việc tiếp cận và chuyển giao các công nghệ hiện đại của thế giới.
Khoa học-công nghệ phát triển cũng tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đi sâu ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao. Thành phố tiên phong thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại Khu Công nghệ cao, Trung tâm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh; lọt vào tốp 100 thành phố sáng tạo mới nổi toàn cầu; xếp hạng 53/152 các thành phố có dịch vụ trực tuyến địa phương tốt nhất trên thế giới.
Giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển, là địa phương đi đầu cả nước về phổ cập giáo dục. Đến nay, thành phố đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông, nâng cao mặt bằng dân trí. UNESCO đã công bố 64 thành phố của 35 quốc gia được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Thành phố Hồ Chí Minh hiện là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế của địa phương này tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chuyển biến mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội...
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Sự cạnh tranh từ các địa phương khác trong thu hút đầu tư phần nào đã làm tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông quá tải, triều cường gây ngập úng… chưa được giải quyết dứt điểm để xứng tầm một “siêu đô thị”. Đây là những khó khăn, thách thức đã tồn tại thời gian dài, trở thành “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của thành phố.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đang còn phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là: Nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư của các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài, kết cấu hạ tầng.
Theo các chuyên gia, trong 3 thách thức trên, việc tập trung giải quyết thách thức hạ tầng cần được ưu tiên thực hiện. Cho nên, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, thành phố cần phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành các công trình hạ tầng trọng điểm.
Tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng đóng vai trò then chốt xây dựng và phát triển một cấu trúc xương sống, góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2025, cũng như trong kỷ nguyên mới.
Để vươn lên tầm cao mới, Thành phố Hồ Chí Minh cần thúc đẩy mạnh mẽ, kiên trì xây dựng theo “mô hình 3:3:3”, gồm: 3 đột phá chiến lược (về thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực chất lượng cao); ba động cơ tăng tốc (khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao), và 3 hoạt động thường xuyên và bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch).
Trong quá khứ cũng như hiện tại, ở những giai đoạn và thời khắc khó khăn, thành phố luôn thể hiện bản lĩnh để vượt qua, luôn có sự đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước. Tài sản quan trọng mà Thành phố Hồ Chí Minh trước nay luôn có là truyền thống cách mạng kiên cường, thành phố anh hùng, sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Với vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, đổi mới, sáng tạo và nguồn lao động chất lượng cao, thành phố sẽ vững vàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.