Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến của hơn 120 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, là điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực trong những năm qua. Tính đến cuối năm 2024, số cấp mới và điều chỉnh dự án còn hiệu lực trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 13.500 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư (cấp mới và tăng vốn) hơn 58,45 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án FDI còn hiệu lực so với cả nước. Trong đó, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước có vốn FDI nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư nhiều vào các lĩnh vực: Bán buôn và bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học-công nghệ; thông tin và truyền thông...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư của Lào vào thành phố đạt 1,89 triệu USD, tập trung vào ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy. Ở chiều ngược lại, đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh vào Lào đạt hơn 500 triệu USD, tập trung vào các ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhìn chung, hợp tác thương mại, kim ngạch thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Lào trong những năm qua vẫn luôn có sự tăng trưởng ổn định. Trong tám tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa thành phố và Lào đạt 1,8 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ thành phố vào Lào đạt 1,6 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu của thành phố từ Lào đạt 271 nghìn USD.
Mới đây, tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-Lào năm 2024 do Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, đầu tư từ Việt Nam vào Lào hiện có gần 420 dự án, với tổng vốn hơn 4,9 tỷ USD. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp với 680 triệu USD, năng lượng điện với 980 triệu USD, khai thác khoáng sản với hơn 1 triệu USD, dịch vụ khác với khoảng 2 tỷ USD. Mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào, ông Phaophongsavath Phouvong, Cục Xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, chín lĩnh vực Lào khuyến khích đầu tư là: Nông nghiệp sạch, trồng cây công nghiệp, phát triển rừng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; công nghiệp chế biến nông sản và chế biến khác thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm để thay thế việc nhập khẩu và trở thành sản phẩm xuất khẩu; y tế; giáo dục, thể thao; sử dụng công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu, phát triển khoa học, sử dụng sáng tạo để bảo vệ môi trường; phát triển du lịch thiên nhiên, văn hóa và lịch sử; đầu tư vào cơ sở hạ tầng; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cho khu vực kinh tế đặc biệt hoặc các khu vực phát triển kinh tế đặc thù; dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thuê hoặc nhượng quyền sử dụng đất nhà nước; thuế nhập khẩu đối với các vật liệu và thiết bị không thể sản xuất trong nước và máy móc sử dụng vào việc sản xuất trực tiếp (tỷ lệ ưu đãi sẽ phụ thuộc lĩnh vực và địa điểm của dự án). Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực kinh tế đặc biệt cũng sẽ nhận được các chính sách khuyến khích đầu tư bổ sung...
Theo ông Phaophongsavath Phouvong, Chính phủ Lào đã triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy và hỗ trợ đầu tư vào các khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ), tạo ra một hệ thống toàn diện bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường cho hoạt động kinh doanh và việc đầu tư trong nước thuận tiện hơn. Vì vậy, Lào mời gọi các doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tìm hiểu và nghiên cứu các cơ hội đầu tư tại Lào trong các lĩnh vực tiềm năng như: Sản xuất nông nghiệp hiện đại, chế biến nông nghiệp, năng lượng sạch, du lịch xanh, logistics... Hiện, các khu vực kinh tế đặc biệt của Lào đã thu hút được khoảng 1.430 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư đạt 65 tỷ USD. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của các khu vực kinh tế đặc biệt trong việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tiềm năng hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Lào vẫn còn rất lớn. Để phát huy hết các cơ hội và tiềm năng, thời gian tới, thành phố và Lào cần tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. Các địa phương tại Lào có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, sản xuất nông sản. Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp lớn, tiềm năng về vốn, kỹ thuật. Do đó, thành phố và Lào cần tiếp tục hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp của hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại mỗi địa phương, phối hợp tổ chức định kỳ các hội nghị xúc tiến đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội trong liên kết hợp tác. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chương trình chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của các sở, ban, ngành của hai bên trong các lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền điện tử, thuế, tài chính…■