Những tín hiệu lạc quan
Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 11 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng trên dưới +9%, doanh thu ước đạt 250.000 tỷ đồng. Thị trường bất động sản từng bước phục hồi trở lại, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, đồng thời các doanh nghiệp bất động sản cũng dần vượt qua khó khăn nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân thành phố đã tháo gỡ vướng mắc cho 34 dự án, trong đó 8 dự án đã được tháo gỡ dứt điểm, còn lại 26 dự án có vướng mắc đang được các sở, ngành và thành phố Thủ Đức tiếp tục tháo gỡ theo quy định.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ tại Việt Nam (CBRE Việt Nam), năm 2024, thị trường bất động sản đánh dấu sự chuyển mình. Nếu năm 2023, thị trường suy giảm cả về giá và nguồn cung thì bước sang năm 2024, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng về giá và nhích nhẹ về nguồn cung, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự báo trong năm 2025, thị trường sẽ đón nhận khoảng 30.000 căn hộ. Dù cần một thời gian nữa thị trường mới trở về mức cao điểm như giai đoạn trước nhưng tín hiệu phục hồi đã thể hiện niềm tin về một chu kỳ tăng trưởng mới sắp xuất hiện.
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, năm 2025, thành phố sẽ có khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư, 7.000 căn được đưa ra đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư và khoảng 3.000 căn được đầu tư từ nguồn vốn công. Hiện, thành phố quyết liệt phát triển nhà ở xã hội và đưa ra các giải pháp đấu thầu quỹ đất, sử dụng quỹ đất của doanh nghiệp đăng ký và đầu tư công để tăng nguồn cung.
Giải pháp
Dù thị trường bất động sản đã có những tín hiệu hồi phục rõ nét, nhưng vẫn còn tình trạng lệch pha cung-cầu khi phân khúc nhà ở giá rẻ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Giá nhà đất tiếp tục tăng, gây khó khăn cho người dân có thu nhập trung bình và thấp. Bên cạnh đó, dù đã có những cải thiện, thủ tục hành chính thực hiện các dự án nhà ở vẫn nhiêu khê, chồng chéo, mất nhiều thời gian.
Trong 11 tháng của năm 2024, toàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 4 dự án thương mại đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường, với 1.611 căn nhà; không có dự án nhà nào được giao đất, cho thuê đất, chỉ 2 dự án được cấp phép xây dựng. Các thương vụ mua bán, sáp nhập cũng rất nhỏ lẻ.
Hiện nay, thành phố còn 86 dự án với 54.051 căn hộ và nhà ở thấp tầng tồn kho, khiến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá nhà tăng cao (bình quân 9,39 tỷ/căn) vượt quá sức mua căn cứ trên thu nhập của người dân. 86 dự án tồn kho đẩy các chủ đầu tư rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bị mất cơ hội kinh doanh, bị chôn vốn…
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, giá nhà sẽ khó giảm nếu như thủ tục đầu tư nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội bị kéo dài. Do vậy, cần có các giải pháp để đẩy nhanh thủ tục hành chính, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, tháo gỡ khó khăn cho các dự án gặp vướng mắc về pháp lý.
Bà Thùy Dung lại cho rằng, muốn giảm giá bất động sản thành phố cần giãn dân ra vùng ngoại ô bằng cách đầu tư hạ tầng, nhất là các tuyến metro. Bởi khu vực trung tâm nhiều dự án căn hộ đã chào bán từ 150-400 triệu đồng/m2, nhưng ở khu vực huyện Nhà Bè, căn hộ cao cấp giá chỉ từ 45-50 triệu đồng/m2. Do vậy, di dân và đi xa hơn, giá căn hộ sẽ giảm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để các địa phương có căn cứ ban hành các giải pháp thực hiện.
Ông cũng cho rằng, cần có phương án giải quyết cụ thể cho các dự án đang gặp vướng mắc tại các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa để sớm giải quyết các dự án bị “vướng mắc pháp lý” trong nhiều năm qua tại 3 địa phương.
Với tinh thần, “sai đâu sửa đó; sai của cấp nào thì cấp đó sửa”, ông Châu đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi một số quy định “bất cập” hoặc chưa sát với thực tiễn của Luật, văn bản dưới luật để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải hoạt động trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và nỗ lực tối đa để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm bất động sản, nhà ở thương mại hướng đến nhu cầu thực, “kéo giảm giá nhà” về mức hợp lý và tích cực tham gia Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.