Không chỉ là trung tâm kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi tập trung nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có lĩnh vực AI.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 54 trường đại học, học viện, trong đó có khoảng 35 trường có chương trình đào tạo công nghệ thông tin-truyền thông. Tuy nhiên, chỉ có 14 chương trình đào tạo ngành AI, khoa học dữ liệu và kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu đào tạo chưa đến 1.000 sinh viên đại học.
Trong khi đó, theo khảo sát nhu cầu nhân lực ngành AI tại Thành phố Hồ Chí Minh, có gần 60% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, chất lượng nhân sự AI hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng; 25% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có đủ nhân sự AI để đáp ứng nhu cầu sử dụng; gần 30% cho rằng, chất lượng đào tạo nhân lực AI chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết, nhu cầu Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay về AI có bốn nhóm lớn: Thành phố cần AI để quản trị thành phố hiện tại và quản trị thành phố thông minh trong thời gian sắp tới; cần những công cụ AI để tăng năng suất lao động cho bộ máy chính quyền của Nhà nước; cần AI tăng năng suất lao động và hiệu quả cho doanh nghiệp; cần AI cho các dịch vụ công để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, AI đang trở thành một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong cách mạng công nghiệp 4.0. AI không chỉ thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp, các ngành công nghiệp mà còn tác động sâu rộng đến đời sống xã hội và quản lý nhà nước. Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến trong việc đào tạo nhân lực khoa học-công nghệ, nhưng sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao vẫn là một vấn đề lớn.
Trong đó, nguồn nhân lực AI tại địa phương này vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Việc thực hiện AI đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật công nghệ hiện đại và dữ liệu đồng bộ, nhưng hạ tầng công nghệ hiện tại của thành phố chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu triển khai AI ở quy mô lớn…
Cho nên, thành phố cần tập trung vào việc đào tạo và phát triển nhân sự, nhất là những kỹ năng chuyên môn sâu và cập nhật với những công nghệ AI mới. Các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng rất cần thiết để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nhân sự AI.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI bao gồm các lĩnh vực như học máy, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và các ứng dụng thực tiễn của AI trong các ngành công nghiệp. Xây dựng các nội dung đào tạo ngắn hạn trực tuyến, khuyến khích các doanh nghiệp và mọi người dân tham gia nâng cao kỹ năng sử dụng AI hỗ trợ cho các hoạt động hằng ngày.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên triển khai xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhất là các startup trong lĩnh vực AI để tạo điều kiện về tài chính, pháp lý và môi trường thử nghiệm cho các doanh nghiệp, startup dễ dàng ứng dụng khoa học-công nghệ. Để có nguồn nhân lực chuyên sâu, tài năng, thành phố cần có những chương trình đào tạo đặc thù về AI, khoa học máy tính, toán ứng dụng... Đây được coi là những ngành mang tính nền tảng để phát triển công nghệ lõi về AI.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố cần có chiến lược nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI theo hướng tập trung ưu tiên các đề tài nghiên cứu, đồng thời có cơ chế khuyến khích các đề tài ứng dụng AI có khả năng gắn kết với các lĩnh vực liên ngành; các ứng dụng AI giúp thúc đẩy các ngành khác phát triển như giáo dục, y tế, du lịch...
Để ứng dụng hiệu quả, việc đặt ra các bài toán cần giải quyết rất quan trọng. Vì vậy, thành phố cần xây dựng các nhiệm vụ mà thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp cần để ứng dụng AI vào giải quyết công việc.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, để triển khai ứng dụng AI vào các lĩnh vực đời sống, đơn vị này đã đặt hàng và phê duyệt thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng AI mô hình ngôn ngữ lớn phục vụ công tác quản lý nhà nước”.
Nhiệm vụ này nhằm xây dựng chatbot AI trả lời, hướng dẫn tự động thực hiện các thủ tục hành chính và được thí điểm tại sở. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng hạ tầng dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030; nghiên cứu và đề xuất thiết kế hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ cho thành phố…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ), phát triển nguồn nhân lực AI và ứng dụng AI phục vụ người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho thành phố. Với những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ và hợp lý, thành phố hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm AI hàng đầu của cả nước và khu vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh.