Đó là một trong các dấu ấn của thành phố đạt được nhờ vào sự điều hành quyết liệt, bài bản trong triển khai nhiệm vụ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, giải quyết tồn đọng.
Vượt khó để thực hiện các mục tiêu
Theo Ủy ban nhân dân thành phố, với những nỗ lực rất lớn, năm 2024, các cơ quan, đơn vị đã khởi công bốn dự án gồm: Cải tạo rạch Xuyên Tâm; mở rộng đường Chu Văn An; dự án cầu Tân Kỳ-Tân Quý; mở rộng đường Dương Quảng Hàm. Đến cuối năm 2024 và đầu 2025, thành phố dự kiến khánh thành chín dự án, trong đó có: Dự án nâng cấp mở rộng đường Tên Lửa; dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ (thông xe hai nhánh hầm); dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng;…
Các dự án không chỉ có tác động lớn đến việc tăng trưởng kinh tế mà còn giúp thành phố nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Cục Thống kê thành phố cho biết, về đầu tư công, tính đến ngày 29/11, thành phố mới chỉ giải ngân được 19.723 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn được giao nhưng chỉ sau một tháng (đến hết tháng 12), mức giải ngân đã đạt 60.944 tỷ đồng và đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (tháng 1/2025) dự kiến đạt 64.528 tỷ đồng, tương đương hơn 81% kế hoạch.
Trong năm, thành phố cũng đã tập trung giải quyết hiệu quả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng của thành phố đã giải quyết xong 157/232 kiến nghị của các doanh nghiệp nhà nước, các kiến nghị khác đang được tập trung giải quyết. 34/64 dự án của doanh nghiệp bất động sản cũng đang tiếp tục được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Dương Ngọc Hải cho biết, trong thực hiện chủ đề năm (quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội), thành phố cũng đạt được một số kết quả tích cực. Đơn cử như thành phố trình và được Chính phủ đồng ý ban hành Nghị định số 84 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền thành phố; thành lập trung tâm phục vụ hành chính công.
Thành phố cũng tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện; hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1;
tổ chức thi công khẩn trương nhiều công trình giao thông trọng điểm; công tác chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tích cực, hiệu quả. Đối với một số lĩnh vực khác cũng có mức tăng trưởng khá như:
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt 7,17%, gần đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 7,5-8,5%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 21,5%; tổng doanh thu du lịch tăng 18,8%; khách quốc tế đến thành phố ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ;...
Nhiều mục tiêu lớn năm 2025
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với những kết quả tích cực đạt được năm 2024, trong năm 2025, thành phố sẽ tiếp tục tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Thành phố cũng xác định sẽ tập trung giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng nhiều năm qua. Nhiều mục tiêu lớn cũng được đặt ra như phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt hơn 10%; giải ngân đầu tư công đạt hơn 95%.
Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị giải pháp huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm 2025 ước tính 500 nghìn tỷ đồng. Thành phố cũng xác định phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.
Lãnh đạo các sở, ngành cũng đề xuất nhiều giải pháp để thành phố hướng đến các mục tiêu quan trọng năm mới. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Khắc Huy, để đạt được tăng trưởng hai con số là một thách thức rất lớn, bên cạnh sự đồng thuận của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, thành phố cần huy động khoảng 450-500 nghìn tỷ đồng, trong đó các nguồn vốn ngoài nhà nước khoảng 350-400 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu thu hút vốn đầu tư tư nhân, thành phố cần tập trung thúc đẩy và kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên, trong đó có các dự án trong lĩnh vực cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch,… Đối với công tác thu hút nhà đầu tư trong các dự án khu công nghiệp, ông Huy cho rằng, thành phố cần chủ động chuẩn bị về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận.
Trong lĩnh vực xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ, hiệu quả thúc đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, đồng thời tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Ngoài ra, tổ công tác giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cần được phát huy tích cực hơn nữa.
Nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025 mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, với việc thực hiện một cách quyết liệt, bài bản, thành phố đã tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để hoàn thành nhiều dự án tồn đọng nhiều năm.
Đây là bài học và nhiệm vụ quan trọng mà thành phố sẽ tiếp tục tập trung trong năm 2025. Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 sớm, trong đó, chú trọng bàn thảo các giải pháp mang tính đột phá. Các đơn vị cũng phải tập trung cao độ cho cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương kỷ luật, nâng cao hiệu quả phối hợp trong giải quyết công việc; sớm hoàn thiện và triển khai kế hoạch huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển theo kế hoạch đã đề ra.