Mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng là căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức-viên chức), từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở chính thức tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Người lao động là cán bộ, công chức-viên chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc đối tượng áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng làm căn cứ tính mức lương, mức phụ cấp làm căn cứ đóng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP.
Mức lương cơ sở mới này cũng là căn cứ tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp. Như vậy, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp với người tham gia chính sách là công chức-viên chức cũng tăng.
Luật Việc làm hiện hành quy định rõ về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Theo đó, người lao động là cán bộ, công chức-viên chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc đối tượng áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng làm căn cứ tính mức lương, mức phụ cấp làm căn cứ đóng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP.
Còn người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp, áp dụng chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định sẽ áp dụng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định về lương tối thiểu.
Với người lao động thuộc chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hiện hành, tương đương không quá 9 triệu đồng/tháng.
Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất mà người lao động có thể nhận hằng tháng sau khi nghỉ việc như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy, với người lao động thuộc chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hiện hành, tương đương không quá 9 triệu đồng/tháng.
Trước thời điểm 1/7/2023, khi lương cơ sở chưa tăng và vẫn áp dụng mức 1,490 triệu đồng/tháng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là không quá 7,45 triệu đồng/tháng.
Trước đó, từ ngày 1/7/2022, Chính phủ đã có quyết định tăng lương tối thiểu vùng. Do đó, với người lao động trong khu vực áp dụng chế độ tiền lương do đơn vị sử dụng lao động trả, có tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của nhóm đối tượng này đã tăng theo từ giữa năm 2022.
Còn với người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất của nhóm đối tượng này không thay đổi so với năm 2022, tức là không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Mức lương tối thiểu quy định theo 4 vùng lần lượt là: vùng I: 4,68 triệu đồng/tháng, vùng II: 4,16 triệu đồng/tháng), vùng III: 3,64 triệu đồng/tháng, vùng IV: 3,25 triệu đồng/tháng.
Theo đó, các mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định có thể nhận được từ ngày 1/7/2022 như sau: Vùng I: 23,4 triệu đồng; vùng II: 20,8 triệu đồng; vùng III: 18,2 triệu đồng; vùng IV: 16,25 triệu đồng.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Lao động ở Công ty TNHH Sản xuất Thương mại thiết bị Nam Anh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Quý) |
Căn cứ theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần đáp ứng một số điều kiện sau.
Thứ nhất, đối tượng áp dụng là người làm việc theo hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc gồm: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Thứ hai, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ ba, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn.
Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Thứ tư, người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thời nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thứ năm, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và không thuộc các trường hợp dưới đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.
Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thụ hưởng các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Cũng theo quy định của Luật Việc làm 2013, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp áp dụng cụ thể với hai nhóm đối tượng.
Với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương cơ sở, thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng, người lao động được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Tại nước ta, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai từ ngày 1/1/2009. Theo quy định mới nhất của Luật Việc làm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng. Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thụ hưởng các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đến hết năm 2022, số tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước đã đạt khoảng 14,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 31,33% lực lượng lao động trong độ tuổi.