Thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2022, có 3/3 chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đó là: Đưa hơn 142 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 38%; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,1%.
Tính đến nay, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước đạt khoảng 14,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 31,1%.
Trước đó, chỉ tiêu được giao trong năm 2022 là tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31%. Tính đến nay, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước đạt khoảng 14,33 triệu người.
Như vậy, để thực hiện thành công mục tiêu cụ thể đề ra Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, rất cần sự nỗ lực, chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan liên quan và cả hệ thống chính trị.
Cũng trong năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng đã được thực hiện kịp thời với người lao động. Qua 11 tháng năm 2022, gần 813 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Hơn 801 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Thực hiện chính sách theo các Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đã có gần 347 nghìn đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với khoảng 11,9 triệu người lao động và với số tiền được điều chỉnh giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022 là hơn 9.210 tỷ đồng.
Cơ quan thực hiện đã chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền 31.836 tỷ đồng. Trong số này, hơn 99% người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng.
Tổng số tiền hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động của chính sách hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 41.046 tỷ đồng.
Thêm vào đó, các cơ quan liên quan đã thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho 66 đơn vị sử dụng lao động với 8.230 người lao động, với số tiền gần 38,87 tỷ đồng.
Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích.
Trước đó, trong tháng 11/2022, Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) cũng đã trao giải Thực tiễn hiệu quả của Hiệp hội này cho nội dung “Giải pháp chính sách của Việt Nam hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”. Giải thưởng này là sự ghi nhận, đánh giá cao của ASSA trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ở nước ta.
Các nội dung về chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành được quy định trong Luật Việc làm 2013, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, trước đó, chính sách này đã được triển khai từ năm 2009.
Tính đến nay, sau hơn 13 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Nếu như vào năm 2009, cả nước mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thì đến hết năm 2022, con số này tăng thêm gần 7,5 triệu lao động, đạt mốc 14,33 triệu người tham gia.
Mới đây nhất, trong bối cảnh đại dịch dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội nước ta gần 2 năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ thị trường lao động.
Cụ thể, chính sách này góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn khi mất việc, bảo đảm, duy trì một phần cuộc sống của cá nhân và gia đình họ. Đồng thời, giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính do không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động. Cùng với đó, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ năm 2022 tại Hà Nội, tháng 12/2022. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đề ra các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, tập trung: “Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động”; “Triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động”.
Nghị quyết cũng đề cập tới “Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.
Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Việc làm hiện tại, nhất là các quy định nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023-2024. Nhiều nội dung liên quan về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm hiện nay đang được áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Do đó, cần sửa đổi Luật Việc làm để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Mặt khác, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ bãi bỏ “mức lương cơ sở”. Tuy nhiên, trong Luật Việc làm 2013, có một số nội dung liên quan gắn với “mức lương cơ sở”. Đó là: tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023-2024. Nhiều nội dung liên quan về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm hiện nay đang được áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Do đó, cần sửa đổi Luật Việc làm để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).
Cơ quan này cũng nhấn mạnh, cần thực hiện các giải pháp đột phá nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm triển khai Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện, nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội.
Cũng cần hình thành cơ sở dữ liệu về thu, chi, quản lý đối tượng tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở Trung ương, tiến tới điện tử hóa quá trình thu, chi bảo hiểm thất nghiệp theo chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán của Chính phủ. Thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, đúng đối tượng; đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân sự thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.