Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực, nhằm hoàn thành mục tiêu trồng một tỷ cây xanh

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 524/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Ðến nay, sau ba năm triển khai, gần 80% mục tiêu đề ra của Ðề án đã được thực hiện hiệu quả. Mặc dù đạt được nhiều kết quả to lớn, nhưng việc triển khai nhiệm vụ trong hai năm cuối của giai đoạn đang gặp phải không ít khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng xã hội…
0:00 / 0:00
0:00
Hưởng ứng Tết trồng cây ở Yên Bái. Ảnh: H.Q
Hưởng ứng Tết trồng cây ở Yên Bái. Ảnh: H.Q

Đề án đã đặt nhiệm vụ cụ thể, đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 20/2, tham dự lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu 2021 tại Phú Yên, hưởng ứng chương trình trồng mới một tỷ cây xanh, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị chọn thông điệp cho chương trình trồng mới một tỷ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”.

Chính phủ chỉ đạo, để phát triển cây xanh bền vững, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thật sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việc thực hiện cần đi vào chiều sâu, tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan đã sơ kết ba năm thực hiện Ðề án. Theo báo cáo, lũy kế kết quả sau ba năm thực hiện, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, đạt 121,4% so với kế hoạch, gồm: 344.510.000 cây xanh phân tán và trồng mới 435.357.000 cây xanh tập trung.

Lũy kế kết quả sau ba năm thực hiện, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, đạt 121,4% so với kế hoạch, gồm: 344.510.000 cây xanh phân tán và trồng mới 435.357.000 cây xanh tập trung.

Một số địa phương đạt kết quả cao là: Lào Cai (61,64 triệu cây); Phú Thọ (52 triệu cây); Long An (45,32 triệu cây); Gia Lai (37,28 triệu cây); Nghệ An (34,38 triệu cây); nhiều địa phương trồng hơn 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Ðồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các tỉnh trồng hơn 15 triệu cây gồm có: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.

Các bộ, ngành, cơ quan trung ương tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây xanh là: Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng hưởng ứng Ðề án trồng một tỷ cây xanh, xây dựng các chương trình, quỹ để kêu gọi, tiếp nhận và triển khai trồng rừng, trồng cây, điển hình như: Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA; Công ty TNHH kinh doanh thương mại và Dịch vụ Vinfast, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Agribank, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam,... và nhiều tổ chức, cá nhân khác trên cả nước.

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Ðề án trong ba năm (2021-2023) là gần 9.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, còn lại là vốn ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn khác chiếm 76,2%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2024-2025, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây xanh với tổng số 492.278.000 cây, trong đó có 275.596.000 cây xanh và 98.210 ha rừng trồng (tương đương với 216.682.000 cây).

Tuy nhiên, đánh giá về những khó khăn, hạn chế, ngành lâm nghiệp cho biết, quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng và nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế của địa phương...

Vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hằng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất; mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn sản xuất. Công tác quản lý, duy trì và phát triển quỹ đất cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị đặt ra.

Do đó, các đơn vị, địa phương cần rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện, tiến hành trồng bổ sung tại các khu vực có cây trồng bị thiệt hại, tại các diện tích còn trống cây xanh, theo đúng kế hoạch đã phê duyệt; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết lợi ích và tham gia hưởng ứng trồng cây xanh; việc thực hiện cần linh hoạt, chủ động, lựa chọn các loại cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, khu vực.

Ðể thực hiện tốt Ðề án, trong hai năm cuối 2024 và 2025, các ngành, địa phương cần có kế hoạch để huy động nguồn lực, tuyên truyền, phổ biến hiệu quả; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ để thực hiện hiệu quả, nhằm hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ của Ðề án đặt ra….