Bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện cả nước có 33 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành. Nhà máy có thời gian vận hành lâu nhất là Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình công suất 100 MW (vận hành được 47 năm); nhà máy mới nhất đưa vào vận hành từ quý III/2023 là Vân Phong 1 công suất 1.432 MW.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ảnh: TTXVN)
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ảnh: TTXVN)

Trong số này, có 10 nhà máy dùng công nghệ đốt lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) sử dụng than nội địa chất lượng thấp (cám 6 hoặc đuôi cám 6), 23 nhà máy dùng công nghệ than phun (PC) với than nội địa chất lượng tốt hơn (cám 5) hoặc than nhập khẩu với tổng công suất là 27.264 MW.

Thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện đã có nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam. Ðơn cử, tất cả các nhà máy đều được trang bị các thiết bị xử lý khói thải như thiết bị xử lý bụi bằng công nghệ lọc bụi tĩnh điện có hiệu suất cao hơn 99,9%; thiết bị khử lưu huỳnh Oxit bằng sữa đá vôi hoặc nước biển; thiết bị khử Nito Oxit với hiệu suất cao hơn 85%…

Ðồng thời, các nhà máy này cũng lắp hệ thống giám sát môi trường online kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương để thực hiện giám sát thường xuyên. Cùng với đó, các bộ và cơ quan chức năng cũng định kỳ kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm môi trường của các nhà máy theo kế hoạch, phương án được phê duyệt.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện. Ðó là các nhà máy này đều sử dụng lượng lớn nước để làm mát sau quá trình trao đổi nhiệt trước khi xả ra kênh tự nhiên và đưa ra sông hoặc biển. Ðiều này dẫn đến trường hợp nước làm mát khi xả ra môi trường tiếp nhận vượt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT.

Bên cạnh đó, một số nhà máy được đầu tư trong giai đoạn trước như: Ninh Bình, Phả Lại 1,… chưa lắp đặt hệ thống xử lý lưu huỳnh và khi vận hành đầy tải vẫn có khả năng không đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Mặt khác, quá trình hoạt động của các nhà máy sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, nhất là những nhà máy sử dụng công nghệ cũ, cũng tạo ra lượng lớn tro xỉ còn thành phần vôi, có tính dãn nở khi gặp ẩm, cho nên khó tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, phụ gia xi-măng và hiện nay chỉ có thể lưu giữ tại bãi thải.

Chính vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than đầu tư cải tạo, nâng cấp thiết bị máy móc và hệ thống bảo vệ môi trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu chất lượng môi trường. Một trong những giải pháp kỹ thuật cần quan tâm là đẩy mạnh việc nghiên cứu, thí nghiệm pha trộn giữa than nội địa với than nhập khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm lượng phát thải.

Ðối với vấn đề tro xỉ thải, nhiều năm qua, lượng tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than công nghệ mới đã cơ bản được tiêu thụ, chủ yếu lượng tồn kho là từ các nhà máy sử dụng công nghệ cũ.

Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để xử lý và tiêu thụ, trong đó tăng cường sử dụng tro xỉ cho các mục đích làm vật liệu san lấp, làm nền đường giao thông hay các loại vật liệu xây dựng không nung có giá trị gia tăng lớn hơn. Cùng với đó, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm từ tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng, bảo vệ môi trường bền vững.