Cùng suy ngẫm

Đồng bộ quy trình phân loại, xử lý rác từ đầu đến cuối

Trong gần một năm qua, bé Lê Thanh Mai và các bạn ở trường mẫu giáo rất vui và hào hứng khi được cô giáo hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Môi trường và đô thị)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Môi trường và đô thị)

Cùng với đó, hằng ngày, bé cùng với cha mẹ thực hiện phân rác tại nhà trước khi mang ra bỏ vào các thùng rác đã được ghi cụ thể: Rác thải nguy hại, rác thải tái chế và rác thải không tái chế được đặt tại sân của khu tập thể. Tuy nhiên đến cuối ngày, tất cả túi rác được bé Mai cùng các bạn ở trường mẫu giáo phân loại cũng như các túi rác của gia đình bé đều được xe thu gom rác đổ chung vào một thùng và được đưa đến bãi xử lý rác thải Nam Sơn (Hà Nội) để xử lý theo “công nghệ truyền thống” là chôn lấp.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân theo lộ trình chậm nhất vào cuối năm 2024. Đối với các trường hợp không thực hiện phân rác tại nguồn sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác theo quy định. Như vậy, chỉ còn hơn một năm nữa, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ là quy định bắt buộc và đi cùng là chế tài xử lý.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân theo lộ trình chậm nhất vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn cũng như việc thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế rác thải. Tại nhiều địa phương công tác này vẫn đang dừng lại ở khâu tuyên truyền, một số địa phương đã triển khai phân loại rác tại nguồn ở một số vùng, chủ yếu là khu vực đô thị, nhưng hệ thống thu gom rác cũng như nhà máy xử lý từng loại rác không đáp ứng được yêu cầu.

Hà Nội được coi là một trong những địa phương đi đầu trong công tác phân loại và xử lý rác thải và trên thực tế địa phương này đã triển khai thí điểm phân rác tại nguồn cách đây 17 năm theo mô hình 3R. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay trong việc tính chi phí xử lý rác theo khối lượng hay theo thể tích. Theo Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), đến nay đơn vị này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và đang chờ thành phố có kế hoạch phân loại chất thải sinh hoạt, kèm theo đó là đơn giá định mức, cho công tác thu gom vận chuyển đối với từng loại rác được phân loại.

Bên cạnh đó, hệ thống thu gom rác hiện nay vẫn đang triển khai chủ yếu theo hình thức truyền thống là tất cả các loại rác thải đều được đổ chung vào một xe thu gom để đưa đi xử lý, dù trước đó đã được phân loại. Như vậy, việc phân loại rác của các tập thể và cá nhân trên địa bàn Hà Nội như trường hợp gia đình cháu Lê Thanh Mai trở nên không còn nhiều ý nghĩa.

Để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và xử lý theo quy định đòi hỏi đồng bộ hóa hệ thống, từ thùng rác, xe thu gom chuyên dụng và nhà máy xử lý đối với từng loại rác, điều này đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, phần lớn xe thu gom rác của các đơn vị vận chuyển và xử lý rác ở Hà Nội hiện nay được chế tạo theo công năng cũ, không đáp ứng được yêu cầu. Còn đối với các địa phương khác, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, việc đầu tư hệ thống hạ tầng để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, xe thu gom rác chuyên dụng, các nhà máy xử lý đối với từng loại rác trong vòng hơn một năm tới là điều khó thực hiện.

Do vậy, bên cạnh việc hướng dẫn và xây dựng ý thức phân loại rác thải tại nguồn, vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng, các địa phương cần có cơ chế đầu tư đồng bộ, hệ thống thu gom và xử lý rác theo phân loại. Từ ý thức sẽ hình thành thói quen cho người dân, nhưng muốn xây dựng thói quen thì quy trình xử lý rác theo phân loại phải hiện hữu, hoạt động hiệu quả và phổ cập tới các vùng miền, thành thị hay nông thôn. Có như vậy, chủ trương, chính sách trong việc phân loại và thu gom, xử lý rác thải mới mang lại lợi ích thiết thực.