Tăng cường ứng dụng khoa học vào trồng trọt

Nông sản Việt Nam ngày càng được định vị trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ít sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa; công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khó chuyển giao, ứng dụng vào thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Nguyễn Hồng Minh tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống rau chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: MINH LÂM)
PGS, TS Nguyễn Hồng Minh tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống rau chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: MINH LÂM)

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá: Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.

GS, TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định: Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay đã có khoảng 450 giống cây trồng được nhân giống mới đưa vào sản xuất. Hầu hết các loại cây trồng chủ lực như lúa gạo, thanh long, nhãn, vải, bưởi, chè… đều tăng cả về năng suất, chất lượng và diện tích gieo trồng.

Tuy nền nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế cho thấy rất ít sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa. Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học rất khó chuyển giao, ứng dụng vào thực tế. Hầu hết các loại giống cây trồng từ hoa màu, rau quả cho đến giống vật nuôi cao sản, máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp... là hàng ngoại nhập. Những giống cây trồng được nghiên cứu trong nước cũng khó cạnh tranh với giống ngoại nhập…

Trong khi đó, dư địa cho nghiên cứu khoa học-công nghệ nông nghiệp còn rộng khi nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học-công nghệ trong nông nghiệp không thể nhập khẩu, như giống cây trồng, kỹ thuật canh tác gắn với điều kiện cụ thể từng vùng của nông nghiệp Việt Nam.

Sau gần 40 năm nghiên cứu lai tạo, PGS, TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống rau chất lượng cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã cho ra đời gần 20 giống cà chua HT có ưu thế vượt trội so với các giống ngoại nhập.

Với đặc tính chịu nóng vượt trội, chịu sâu bệnh, hàm lượng dinh dưỡng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch nhanh hơn, năng suất rất cao, có giống nếu chăm sóc tốt có thể đạt sản lượng hơn 60 tấn/ha. Sản phẩm của mỗi giống HT có phẩm chất khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường như làm mứt, đóng hộp xuất khẩu, làm salad trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp...

Mới đây, PGS, TS Nguyễn Hồng Minh lai tạo thành công giống cà chua đen HT-234, gọi là “cà chua Chocolate” có hàm lượng các chất chống oxy hóa anthoxianine cao, có tác dụng phòng chống ung thư, chống béo phì và tiểu đường…

Thương hiệu HT được đăng ký công nhận bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đây là giống cà chua đầu tiên của Việt Nam có tên gọi chính thức. Đầu những năm 2000, dòng HT đã được phổ biến ở nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau, được nông dân hồ hởi đón nhận, hạt giống đã từng được xuất khẩu sang Nga.

Tuy nhiên, do không được đầu tư thỏa đáng, không đủ sức cạnh tranh với các công ty giống nước ngoài nên mặc dù đã đạt được số lượng 20 giống, cà chua HT vẫn chỉ được trồng ở một mức độ nhất định, chưa có điều kiện sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Chia sẻ những suy nghĩ về nguyên nhân giống cà chua HT và nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta rất khó đưa vào sản xuất đại trà, PGS, TS Nguyễn Hồng Minh cho rằng, tập quán canh tác của nông dân ta vẫn còn manh mún, lạc hậu, trong khi các giống công nghệ cao đòi hỏi sản xuất theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, trên một quy mô diện tích lớn để có thể kiểm soát an toàn, không thể áp dụng ở quy mô nhỏ lẻ.

Hiện nay, thị trường hạt giống rau Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các công ty lớn trên thế giới. Họ có nhiều biện pháp khiến các nhà khoa học trong nước không thể cạnh tranh nổi. Các công ty sản xuất hạt giống trong nước chủ yếu tập trung sản xuất những giống có nhu cầu cao, số lượng lớn như giống lúa, ngô và một số giống bầu bí; rất ít doanh nghiệp sản xuất giống rau. Các doanh nghiệp sản xuất rau phần lớn là công ty cổ phần, không mặn mà với giống rau công nghệ cao vì quản lý phức tạp, chi phí tốn kém, ít có lãi. Muốn sản xuất rau công nghệ phải là doanh nghiệp tư nhân, “sống chết với sản phẩm”.

Việc tổ chức thị trường tiêu thụ rau sạch, rau công nghệ cao ở Việt Nam chưa phát triển; công tác kiểm dịch chưa có nền nếp; giá rau công nghệ khó cạnh tranh nổi với giá rau thường; người tiêu dùng chưa có thói quen và lòng tin khi sử dụng rau công nghệ. Một lý do nữa cũng đã được nêu ra là do quá trình đô thị hóa, khí hậu, địa hình, môi trường thay đổi… không thuận lợi cho canh tác rau. Diện tích đất nông nghiệp nói chung, diện tích trồng rau nói riêng bị co hẹp. Nhân lực làm nông nghiệp giảm sút do xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực phi nông nghiệp.

Để ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phù hợp điều kiện trong nước, rất cần những chính sách cụ thể, thiết thực, khuyến khích, bảo hộ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra những giống cây trồng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tự chủ, cải thiện đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới.