Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt

NDO - Trồng trọt là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp nước ta. Trong những năm qua, tuy nền kinh tế ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng ngành trồng trọt vẫn tăng trưởng và được xem là một trong những trụ cột của ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc cây vụ đông.
Người dân tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc cây vụ đông.

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những năm qua tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm lĩnh vực trồng trọt đạt khoảng 2,6%, giá trị sản xuất chiếm từ 64 đến 68% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp. Từ đó, gia tăng giá trị xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vì vậy, lĩnh vực trồng trọt những năm qua đã có sự chuyển dịch rõ rệt theo xu hướng này bằng việc tăng tỷ lệ các giống chất lượng cao, đặc sản, giống chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất thuận, giảm vật tư đầu vào và giảm thiểu phát thải; hình thành thêm nhiều vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường áp dụng khoa học vào sản xuất...

Hiện nay, hệ thống cung ứng giống, các trường, viện, trung tâm nghiên cứu... đã chủ động cung ứng lượng giống phục vụ nhu cầu trong nước, giảm thị phần nhập khẩu. Trong đó có khoảng 95% lượng lúa giống sử dụng hàng năm do doanh nghiệp và các hộ dân sản xuất; từ 65 đến 70% giống ngô lai sử dụng do doanh nghiệp sản xuất; gần 100% giống khoai lang và từ 85 đến 90% giống sắn tự nhân sản xuất; khoảng 50 đến 55% giống chè và 70% giống điều phục vụ trồng mới hàng năm do doanh nghiệp và hộ dân sản xuất...

Trong sản xuất lúa, thống kê sơ bộ năm 2023, diện tích sản xuất ước đạt khoảng 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, tăng khoảng 0,7 tạ/ha so với năm 2022; sản lượng ước đạt hơn 43,1 triệu tấn thóc, tăng hơn 452 nghìn tấn. Cơ cấu giống những năm gần đây có chiều hướng dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình, nếp sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Đối với cây nấm, hiện nay cả nước có khoảng 100 cơ sở sản xuất giống nấm ăn và nấm dược liệu với sản lượng hàng năm khoảng 5.000 tấn giống đáp ứng 100% nhu cầu giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng và giống cấp 1, cấp 2 đạt từ 90 đến 95%. Các chủng loại chủ lực như: sò, rơm, mỡ, mộc nhĩ, linh chi, kim châm…

Hiện nay, công nghệ nhân giống trên giá thể dạng lỏng đang thay thế dần công nghệ nhân giống trên giá thể dạng rắn. Nhờ đó, chất lượng giống nấm được ổn định, tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất giống nấm lên từ 7 đến 10%.

Cũng qua thống kê, đến nay đã có hơn 70 tiến bộ kỹ thuật được Cục Trồng trọt công nhận và áp dụng vào sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác được áp dụng trên quy mô hàng nghìn ha như: Quy trình nhân và sản xuất chuối tiêu từ cấy mô; ghép cải tạo thay thế giống và trẻ hóa những vườn cây già cỗi; tỉa cành tạo tán; tưới nước tiết kiệm; thụ phấn bổ sung (bưởi, na); sử dụng đèn compact, led tiết kiệm điện xử lý ra hoa thanh long trái vụ; kỹ thuật xử lý ra hoa vải, phòng trừ sâu đục cuống quả vải.... xử lý ra hoa xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng nghịch vụ; quy trình trồng xen cây ăn quả (bơ, sầu riêng) trong vườn cà-phê vối.

Cục Trồng trọt đang tổ chức xây dựng hướng dẫn gói kỹ thuật canh tác thích ứng biến đổi khí hậu cho một số loại cây ăn quả chủ lực, nhằm phát triển cây ăn quả hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, khuyến cáo các địa phương tổ chức sản xuất rải vụ kéo dài thu hoạch cây ăn quả.

Tuy nhiên, ngành trồng trọt vẫn còn một số hạn chế, đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, trình độ canh tác một số nơi còn lạc hậu; năng suất, chất lượng một số loại sản phẩm còn thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh hạn chế, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến còn chậm; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị phạm vi hạn chế; vệ sinh an toàn thực phẩm cải thiện chậm, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu thấp, xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, nên giá trị gia tăng không cao.

Nhằm khắc phục những hạn chế đó, ngoài tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt thì việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo cho một số nhóm cây ăn quả cũng đang được Cục Trồng trọt tính đến.

Trên cơ sở đó, đối với nhóm lúa gạo cần hướng đến giống lúa chất lượng cao phục vụ thị trường xuất khẩu và nội tiêu cũng như thích ứng biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu sâu, bệnh; sử dụng nhóm giống lúa ngắn và cực ngắn, chịu hạn, úng ngập, mặn, chống đổ ngã…

Đối với các giống ngô phục vụ chế biến, thức ăn chăn nuôi có thể ứng dụng kỹ thuật biến đổi gen để chọn tạo; nhóm cây ăn quả khuyến cáo sử dụng giống năng suất và chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...

Nhóm cà-phê, hồ tiêu, điều ưu tiên giống chất lượng cao, chống chịu một số loại sâu bệnh chính như tuyến trùng, rỉ sắt cà-phê, bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu. Đặc biệt, bộ giống cà-phê đặc sản còn thiếu nên cần được ưu tiên đầu tư chọn tạo hơn.