Thời gian vừa qua, các nhóm cùng sở thích tại tỉnh Cao Bằng đã tạo ra nền tảng tốt thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu. Qua sáu năm đi vào hoạt động, đến nay, nhóm cùng sở thích trồng rau, nuôi lợn ở xóm Phạc Sliến, xã Vân Trình, huyện Thạch An vẫn duy trì ổn định các hoạt động và đạt được một số kết quả tích cực.
Hằng tháng, đại diện 15 hộ trong nhóm tập trung sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, phòng bệnh cho vật nuôi; trao đổi, bàn giải pháp hỗ trợ hộ gặp khó khăn phát triển sản xuất. Thông qua các hoạt động, một số thành viên thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn đã được hỗ trợ, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Gia đình chị Nông Thị Huyến, trước đây là hộ nghèo, chăn nuôi quy mô nhỏ, mỗi lứa chỉ nuôi được từ một đến hai con lợn, cho thu nhập thấp. Được động viên, hỗ trợ, gia đình chị Huyến đã vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi được năm đến bảy con lợn/lứa; qua đó, thu nhập được cải thiện, kinh tế gia đình ổn định.
Chị Đinh Thị Hoa, Trưởng nhóm cùng sở thích ở xóm Phạc Sliến chia sẻ, hiện bình quân mỗi thành viên nuôi một đến hai con lợn nái và năm đến bảy con lợn thịt/lứa, xuất bán lợn giống và lợn thịt ra thị trường, tổng thu nhập từ chăn nuôi bình quân khoảng 60 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ tích lũy và thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình chị Hoa đang xây dựng được căn nhà khang trang, trị giá khoảng 700 triệu đồng.
Đến nay, tại xã Vân Trình có 35 nhóm cùng sở thích, với 508 thành viên. Trong đó, có năm nhóm cùng sở thích liên kết với Hợp tác xã Thuận Phong, phối hợp kết nối tiêu thụ quả bí xanh trên thị trường. Các nhóm còn lại liên kết trao đổi kinh nghiệm, mua chung vật tư sản xuất và bán sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt cho tư thương.
Đánh giá tác động, hiệu quả của Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Trình Nông Thị Hà cho biết: Các nhóm cùng sở thích đã tạo được động lực thúc đẩy nông dân sản xuất, kinh doanh thông qua việc liên kết các hộ có cùng sở thích vào các nhóm để trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nhóm cùng sở thích tại địa phương đã tạo động lực, sức bật mới trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện từ năm 2017 và người dân ở 30 xã thuộc ba huyện Thạch An, Hà Quảng và Nguyên Bình được hưởng lợi từ dự án. Bà Vũ Thị Hồng Thúy, Giám đốc Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng cho biết: Dự án đã hỗ trợ các xã lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội định hướng theo nhu cầu của thị trường gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia của người dân, lấy người dân là trung tâm.
Đồng thời, dự án đã thành lập, hỗ trợ và duy trì hoạt động của các nhóm cùng sở thích. Không những vậy, dự án còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư-kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các địa bàn khó khăn…
Tính đến nay, có 718 nhóm cùng sở thích được thành lập, hoạt động tốt. Thành viên các nhóm cùng sở thích là đồng bào dân tộc, hộ nghèo, cận nghèo có chuyển biến tốt trong phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập và từng bước vươn lên. Có sáu doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia chuỗi giá trị, kết nối bao tiêu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Thí dụ, Hợp tác xã Nông sản Tân Việt Á đã liên kết, bao tiêu sản phẩm dong riềng cho nông dân để chế biến sản phẩm miến dong Tân Việt Á. Hay như Công ty trách nhiệm hữu hạn Giống cây trồng Hòa An tham gia chuỗi sản xuất lạc giống tại huyện Hà Quảng đã tạo đầu ra tốt cho sản phẩm lạc giống của người nông dân. Thông qua hoạt động của các nhóm cùng sở thích và sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã củng cố, phát triển tư duy sản xuất hàng hóa, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường của người nông dân.
Theo đại diện Giám đốc Dự án, dự kiến tháng 9/2024, Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng sẽ kết thúc các hoạt động. Kế thừa những kết quả đã đạt được của dự án, tỉnh Cao Bằng đang kêu gọi, xúc tiến dự án do cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) viện trợ không hoàn lại để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ, phát triển chuỗi giá trị trồng, chế biến, tiêu thụ cây thạch đen ở huyện Thạch An; cây dong riềng ở huyện Nguyên Bình và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại huyện Trùng Khánh; với mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất hàng hóa bền vững, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.