Đây là cơ sở để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước; đồng thời ổn định nguồn hàng cho xuất khẩu, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước năm 2023 đạt 55 tỷ USD.
Trồng trọt, lâm nghiệp tăng trưởng đều
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.194,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 105,8% cùng kỳ năm trước, trong đó, các địa phương phía bắc gieo cấy 836,1 nghìn ha, bằng 108%; các địa phương phía nam gieo cấy 358,3 nghìn ha, bằng 101%.
Về lúa hè thu, đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.905,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía bắc đạt 172,9 nghìn ha, bằng 98,7%; các địa phương phía nam đạt 1.732,4 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.473,2 nghìn ha, bằng 100,5%.
Về lúa thu đông, tính đến ngày 15/7, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 263,4 nghìn ha, bằng 94,3% cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang có nhiều biến động, nhất là từ sau khi Ấn Độ ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati), thì việc bảo đảm nguồn cung lúa gạo trong nước là vô cùng quan trọng để vừa ổn định an ninh lương thực quốc gia, vừa cung cấp đủ lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu.
Đối với cây hằng năm, tính đến trung tuần tháng 7/2023, cả nước gieo trồng được 716,6 nghìn ha ngô, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm trước; 67,1 nghìn ha khoai lang, bằng 95,9%; 18,8 nghìn ha đậu tương, bằng 93,7%; 132,2 nghìn ha lạc, bằng 96,3%; 870,8 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,7%.
Sản xuất lâm nghiệp tuy gặp bất lợi do thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng vẫn duy trì được đà tăng trên một số mặt, như: số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 52,1 triệu cây, tăng 4,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 10,5 triệu m3, tăng 2,8%. Tuy nhiên, diện tích rừng bị thiệt hại vẫn còn cao, ở mức 1.348,8 ha, tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 715,5 ha, tăng 9,3%; diện tích rừng bị cháy là 633,3 ha, gấp 14 lần.
Chăn nuôi, thủy sản nhiều cơ hội phát triển
Lĩnh vực chăn nuôi cũng tương đối ổn định, trong đó chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục. Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 7/2023 tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 0,8%; tổng số gia cầm tăng 2,1%.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng thời gian qua. |
Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 7/2023 ước đạt 823,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 474,7 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 348,4 nghìn tấn, tăng 1,6%. Tính chung 7 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 5.093,6 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 3.669,6 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 673 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 751 nghìn tấn, tăng 1,3%.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản thời gian tới có nhiều khả năng phục hồi tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, do nguồn hàng thủy sản tồn kho đã giảm nhiều khiến nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại. Do đó, cần bảo đảm nguồn cung thủy sản chất lượng để đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm ngành tôm cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định, như: biến đổi khí hậu và hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long biến động khó lường dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong khi nguồn giống vẫn bị lệ thuộc, chưa chủ động, chủ yếu là nhập khẩu và khai thác tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng; hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm, hệ thống thủy lợi còn hạn chế gây khó khăn về quản lý môi trường và tăng khả năng nhiễm bệnh cho tôm.
Ngoài ra, công tác dự báo, phòng tránh, giảm thiểu tác động bất lợi do môi trường còn yếu. Theo Cục Thủy sản, các giải pháp đề ra trong những tháng cuối năm là duy trì sản xuất, ổn định tâm lý người nuôi, không thu hoạch ồ ạt; hướng dẫn kỹ thuật nuôi phù hợp điều kiện, bối cảnh hiện tại, như: mật độ nuôi có thể giảm, size thu hoạch lớn kết hợp các giải pháp giảm chi phí trung gian, thức ăn, vật tư đầu vào; cân đối nuôi quảng canh và thâm canh tại đồng bằng sông Cửu Long...
Về lâu dài, cần kiểm soát chặt điều kiện nuôi, khuyến khích sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP); quan trắc môi trường và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị.