Những ngày này, tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, nhiều hàng kinh doanh bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi trẻ em… có nguồn gốc nước ngoài được bày bán khá đa dạng các chủng loại. Các loại bánh nướng, bánh dẻo phục vụ thị trường Tết Trung thu có mẫu mã bắt mắt, giá cả đa dạng. Nhiều chủ cửa hàng còn giới thiệu, mời chào khách hàng mua nguyên liệu làm bánh trung thu đã được chế biến sẵn như trứng muối, đỗ xanh, hạt sen xay nhuyễn... được đóng trong các bịch ni-lông nhằng nhịt chữ nước ngoài. Qua tìm hiểu, nhiều sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo và nguyên liệu làm bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm, không hạn sử dụng và đều được đóng gói, bảo quản rất sơ sài không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Trần Thu Hiền, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hiện nhiều thương hiệu bánh trung thu quen thuộc như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison, Thu Hương… đã mở bán trên các tuyến phố với giá cả từ vài chục nghìn đồng cho tới hàng triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng một hộp 4 đến 6 chiếc bánh. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều loại bánh mi-ni, được quảng cáo là sản phẩm nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), nhưng trên vỏ bao bì đều ghi chữ nước ngoài, không ghi hạn sử dụng.
Bánh trung thu mi-ni ngoại nhập cũng có rất nhiều vị nhân, được bán nhiều tại các hội nhóm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, với nhiều mức giá, hình thức đa dạng, chỉ từ 2.000-3.000 đồng/chiếc. Theo quảng cáo của người bán, đây là mặt hàng được lấy từ Trung Quốc, không phải hàng trôi nổi. Loại bánh này hút hàng ở chỗ hương vị lạ, cỡ bánh nhỏ, ít đường, không béo… Chính những điều này đã đánh vào tâm lý tò mò của người dân. Nhưng chất lượng sản phẩm đã được kiểm định hay chưa người bán không cho biết, và rất nhiều người mua dường như cũng không quan tâm hoặc để ý đến vấn đề này.
Theo cơ quan chức năng, càng gần Tết trung thu, nhu cầu sử dụng bánh trung thu của người dân tăng cao, nên nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh “trôi nổi” trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời.
Theo cơ quan chức năng, càng gần Tết trung thu, nhu cầu sử dụng bánh trung thu của người dân tăng cao, nên nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh “trôi nổi” trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời. Những sản phẩm nêu trên không được kiểm soát chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngày 21/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh hàng hóa có địa chỉ tại K29, số 9 đường Thụy Phương, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện địa điểm đang kinh doanh 4.608 chiếc bánh trung thu bibizan, 310 chiếc quần lót Charm, 11 chiếc máy hút bụi cầm tay. Toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Cùng với các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, trong dịp Tết Trung thu, thị trường đồ chơi dành cho trẻ em cũng nhộn nhịp với đa dạng các mẫu mã, mặt hàng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu người mua tăng đột biến, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được trà trộn, bày bán, gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ em.
Phố Hàng Mã, Hà Nội. Ảnh: Nhật Quang |
Tại một số địa điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em nổi tiếng ở Hà Nội như phố Hàng Mã, Lương Văn Can… hoạt động mua bán diễn ra hết sức sôi nổi. Chị Thu Huyền, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã chia sẻ, năm nay, các bậc cha mẹ có xu hướng lựa chọn mặt hàng truyền thống cho con mình trong dịp Trung thu vì gần gũi văn hóa và an toàn. Các mẫu đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước được cải tiến nhiều về mẫu mã, mầu sắc, được các em nhỏ yêu thích. Cửa hàng nhập về nhiều loại đồ chơi hàng Việt, chủ yếu như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép trông trăng, đèn kéo quân giấy bóng kính, đèn cù, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống mặt da… phong phú về hình dạng, kích cỡ, mầu sắc.
Tuy nhiên cũng theo chia sẻ của chị Huyền, do giá các mặt hàng đồ chơi truyền thống của Việt Nam khá cao, cho nên nhiều mặt hàng nhập ngoại vẫn chiếm ưu thế. Các loại đồ chơi trẻ em được bày bán rầm rộ trên thị trường, tại các cửa hàng và nhất là các sàn thương mại điện tử.
Nhằm ngăn chặn hiện tượng buôn bán hàng hóa nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, mới đây cùng với việc triển khai chương trình công tác trọng tâm năm 2023 và thực hiện Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 20/7/2023 của UBND thành phố về tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn thành phố năm 2023, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023. Kế hoạch này sẽ được triển khai trên địa bàn toàn thành phố từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9/2023.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo, bánh trung thu trên địa bàn thành phố. Các cá nhân, tổ chức, kinh doanh phụ gia thực phẩm; sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu. Trong đó, chú trọng tập trung vào kiểm tra sản phẩm bánh trung thu và nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh trung thu...
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường còn kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, nguy hiểm, không phù hợp lứa tuổi, giáo dục nhân cách trẻ em, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn.