Bánh Trung thu năm nay vẫn phong phú, nhiều mùi vị khác nhau cho người tiêu dùng lựa chọn. Từ các nhân truyền thống như đậu xanh, thập cẩm, sen, trứng muối... cho đến các loại mới lạ hơn như vị trà xanh, đậu đỏ, nhân trứng chảy... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục cho ra mắt các dòng sản phẩm chú trọng tới bao bì, vỏ hộp sang trọng, thiết kế bắt mắt hơn để phục vụ nhu cầu biếu tặng. Nhiều vỏ hộp được làm bằng gỗ in hoa văn nổi hoặc hộp giấy cao cấp. Ðại diện Mondelez Kinh Ðô Việt Nam cho biết, doanh nghiệp lấy cảm hứng từ những đồ chơi truyền thống Tết Trung thu như đèn kéo quân để tạo nên chiếc hộp bánh đầy ý nghĩa. Khách sạn Pan Pacific Hà Nội thì thiết kế bao bì với hình ảnh chủ đạo là sen Hồ Tây, gợi khung cảnh Hồ Tây trong đêm trăng thu...
Năm nay, các sản phẩm bánh Trung thu có nhiều mức giá khác nhau, từ bình dân đến cao cấp, nhưng nhìn chung tăng từ 5-10% so mùa Trung thu năm trước. Các loại bánh truyền thống của nhãn hiệu Kinh Ðô như bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen... có giá niêm yết từ 55 nghìn đồng đến 62 nghìn đồng/chiếc, trọng lượng là 150 g và 180 g. Ðối với dòng sản phẩm biếu tặng, giá thấp nhất 640 nghìn đồng/hộp, cao cấp nhất là hộp bánh Trung thu Trăng vàng Black & Gold Kim Cương hộp sơn mài giá bán lên đến 5 triệu đồng/hộp. Siêu thị AEON cho ra mắt dòng bánh Trung thu AEON Handmade với giá 70 nghìn đồng/bánh nướng các vị và 65 nghìn đồng/bánh dẻo. Thương hiệu Hải Hà Kotobuki đưa ra mức giá từ 490 nghìn đồng đến 999 nghìn đồng/hộp bánh tùy loại. Theo các nhà sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, cho nên giá bán thành phẩm cũng tăng theo. Do giá tăng cộng với người dân có tâm lý cắt giảm chi tiêu, cho nên sức tiêu thụ các sản phẩm bánh Trung thu trong thời gian này chưa cao.
Bên cạnh kênh phân phối trực tiếp thì năm nay, các loại bánh Trung thu còn cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Grab... cũng như các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo... Ngoài các thương hiệu có tiếng, truyền thống thì cũng có nhiều sản phẩm bánh Trung thu nhập khẩu và do các cá nhân tự làm. Nhiều chủ tài khoản kinh doanh trên mạng đã đăng bán, nhận đặt làm các loại bánh Trung thu và thu hút lượng khách hàng khá lớn do sở thích sử dụng bán tươi, không chất bảo quản... Chị Nguyễn Thu Hương ở Láng Hạ (quận Ðống Ða) cho biết: "Bình thường tôi hay làm các loại bánh bao, bánh ngọt để bán trên mạng. Ðến dịp Trung thu thì nhận làm thêm các loại bánh nướng, bánh dẻo cho khách quen đặt. Bánh tự làm, không sử dụng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng ngắn".
Nắm bắt tình hình thị trường bánh Trung thu trong dịp cao điểm, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Ngày 21/8, Ðội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Ðội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm) tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh hàng hóa tại K29, số 9 đường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. Qua kiểm tra đã phát hiện tại đây đang kinh doanh 4.608 chiếc bánh Trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định. Ðại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lợi dụng nhu cầu tăng cao, nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh các loại bánh Trung thu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, trong thời gian này, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra các tổ chức, cá nhân, các cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo, bánh Trung thu và các loại phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì liên quan sản phẩm bánh Trung thu trên địa bàn thành phố, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.