Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, nhận lời mời của Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 4 đến 8/9.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Tiến Tuấn). |
Theo kế hoạch, dự kiến tại thành phố Tokyo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ có cuộc tiếp xúc cấp cao với Ngài Yashuhiro Hanashi, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, để bàn về các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc phái cử người lao động Việt Nam sang tu nghiệp, làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và thảo luận giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng sẽ thăm và làm việc với người đồng cấp là Ngài Kato Katsunobu, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản.
Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đưa người lao động đến làm việc.
Những năm gần đây, số lao động nước ta sang làm việc tại quốc gia này chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác cũng sẽ tới thăm hỏi, động viên, tặng quà đại diện người lao động Việt Nam đang làm việc tại khu vực Tokyo và Osaka (Nhật Bản), lắng nghe ý kiến, tâm tư của người lao động sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, đoàn công tác sẽ gặp gỡ một số nghiệp đoàn của Nhật Bản để cùng thúc đẩy việc đưa thêm nguồn lao động từ Việt Nam sang Nhật Bản làm việc sau khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát ở cả hai quốc gia.
Chuyến công tác cũng là bước để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).
Hiện nay, Việt Nam phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo nhiều hình thức. Đó là: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA); Chương trình lao động kỹ năng đặc định; Chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; Lao động xây dựng, đóng tàu...
Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần vào sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.