Gần 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản

NDO -

Hiện số lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới gần 500 nghìn người. Từ đầu năm 2022 tới nay, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Nhật Bản đã mở cửa trở lại và tiếp nhận khoảng 50 nghìn thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại quốc gia này.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa (Ảnh: Molisa).
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa (Ảnh: Molisa).

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, Việt Nam-Nhật Bản có mối quan hệ hết sức đặc biệt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, hướng tới lợi ích của cả hai bên.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện số lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã lên gần 500 nghìn người. Trong đó, năm 2019 là thời điểm Việt Nam đưa người lao động sang quốc gia này cao nhất, đạt tới 149 nghìn người.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tác động của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã làm ảnh hưởng đến sự hợp tác về nhân lực giữa hai bên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 tới nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Nhật Bản đã mở cửa trở lại và tiếp nhận 50 nghìn thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.

Chia sẻ về việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Luật được sửa đổi với rất nhiều nội dung cải tiến nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động đi nước ngoài và doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài. Cụ thể như: giảm tất cả các đóng góp của người lao động ở mức tối đa cho phép, giảm dịch vụ phí, tăng đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động, nâng cao chất lượng cho người lao động khi sang Nhật Bản.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, hai bên đã thống nhất siết chặt kỷ cương, kiên quyết xử lý các nghiệp đoàn, doanh nghiệp vi phạm, đặc biệt là việc môi giới, bôi trơn, tiêu cực trong quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

“Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý lao động ngoài nước phải công khai, minh bạch thông tin thị trường lao động ngoài nước cũng như thông tin của các doanh nghiệp xấu. Đồng thời đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động, thậm chí là đưa ra xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp có hành vi trái quy định” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự đáng tiếc trước tình trạng thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn khỏi Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh đại dịch như vừa qua.

Lý giải cho tình trạng này, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội nêu: “Một nguyên nhân cơ bản là vấn đề chênh lệch thu nhập giữa người bỏ trốn với người làm việc tại doanh nghiệp. Người bỏ trốn có thu nhập cao hơn, không phải đóng thuế, phí bảo hiểm và tự do làm thêm giờ”. Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị phía bạn chỉ đạo các cơ quan, chức năng cùng phối hợp với Việt Nam xử lý doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp tại Nhật Bản. Một thông tin đáng mừng, tới thời điểm hiện tại, số lượng lao động bỏ trốn tại Nhật Bản đã giảm 54% so với năm 2021.

Đáng lưu ý, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị thêm Bộ Tư pháp Nhật Bản xem xét có thể miễn thuế cư trú, thuế thu nhập thông qua việc đàm phán, đánh thuế hàng hóa cho người lao động, nhằm bảo đảm quyền lợi, thu nhập tối thiểu cho người Việt Nam vì lợi ích chung giữa hai nước. Đây là chính sách công bằng, khả thi, vì Nhật Bản đã áp dụng chính sách trên đối với một số nước khác, trong khi đó, Việt Nam rất ưu tiên lực lượng lao động đối với Nhật Bản.

Bên cạnh lĩnh vực lao động, các hợp tác khác giữa hai đất nước trong các lĩnh vực như trẻ em, bình đẳng giới, bảo hiểm xã hội… hiện đang được thực hiện tương đối tốt.

Trao đổi tại buổi tiếp, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa bày tỏ sự đồng quan điểm và vô cùng phấn khởi trước mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về phía Nhật Bản, năm 2023 là năm hết sức đặc biệt khi kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, đồng thời cũng là kỷ niệm 50 năm ngày Nhật Bản thiết lập quan hệ với tất cả các nước ASEAN.

Bộ trưởng Furukawa Yoshihisa chia sẻ: “Trong năm tới, chúng tôi hy vọng sẽ có rất nhiều sự kiện, chương trình nhân dịp 2 kỷ niệm này, và thông qua đó chúng ta sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp Nhật Bản và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, với số lượng người sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đông đảo, đóng góp của người Việt Nam đối với quốc gia này là rất lớn, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam. “Tôi tin rằng có được kết quả như vậy là nhờ sự tin cậy giữa người dân Việt Nam với người dân Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản” - Bộ trưởng Furukawa Yoshihisa chia sẻ thêm.

Kể từ tháng 11/2017, Nhật Bản đã thu hồi giấy phép của 33 đơn vị quản lý, có văn bản chấn chỉnh hơn 4.000 trường hợp có hành vi vi phạm, 17 đơn vị quản lý nhận văn bản phải chấn chỉnh cách thức hoạt động, xóa phê chuẩn kế hoạch thực tập kỹ năng của 309 xí nghiệp tiếp nhận và chấn chỉnh 15 xí nghiệp sử dụng người lao động Việt Nam.

Về việc siết chặt kỷ cương, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, tập đoàn vi phạm, Nhật Bản đã tổ chức điều tra, thu thập chứng cứ về các công ty, doanh nghiệp thu phí trái với quy định của Việt Nam và thông báo lại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Theo Bộ trưởng Furukawa Yoshihisa, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), dự án Kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài sẽ là cơ hội vô cùng ý nghĩa, tạo điều kiện tiếp cận thông tin công khai, minh bạch kết nối người lao động có nhu cầu với các đơn vị tuyển dụng ở nước này. Nhật Bản mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đối với dự án này để sớm đưa vào hoạt động, giúp người lao động Việt Nam có thể dễ dàng tham gia thị trường lao động tại Nhật Bản.

“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng giữa hai nước sẽ tăng cường quan hệ hợp tác nhằm giải quyết từng vấn đề vướng mắc để người lao động Việt Nam có thể hài lòng, mãn nguyện và tự hào khi chọn Nhật Bản là điểm đến” - Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Furukawa Yoshihisa nhấn mạnh.

Qua làm việc, trao đổi, hai bên thống nhất với nhau nguyên tắc giảm khâu trung gian, giảm chi phí cho người lao động; cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cho người lao động để có thể chủ động lựa chọn, quyết định; hạn chế tối đa vấn đề thực tập sinh bỏ trốn.

Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021.
Trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản chỉ đạt hơn 19,5 nghìn người, trong đó có hơn  8.300 lao động nữ.
Mới đây, ngày 20/6, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Bản ghi nhớ bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia chương trình.

Lao động và việc làm