Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở EU và trên toàn thế giới, nhưng trao đổi thương mại 2 chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3% và sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%.
11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…
Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA.
Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Những kết quả tích cực nói trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA, đồng thời cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý ở cấp Trung ương và địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã đơm hoa kết trái.
Những nỗ lực này cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội từ EVFTA bởi lẽ, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dù Việt Nam đã đạt được những thành công kể trên nhưng mới chỉ là bước đầu.
Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan.
Thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Ngô Chung Khanh cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng trưởng, nhưng tỷ trọng thị trường EU trong kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn và tăng không đáng kể.
Năm 2020, xuất khẩu sang EU đạt 35,1 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2021, đạt 40,12 USD, chiếm 11,9%; 11 tháng năm 2022 đạt 43,4 tỷ USD, chiếm 12,69%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bé tại thị trường EU.
Nhiều mặt hàng dù có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao như thủy sản, rau quả… nhưng giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn.
Thí dụ, rau quả tỷ lệ tận dụng là 66,7%, nhưng kim ngạch xuất khẩu là 0,15 tỷ USD, chiếm 0,35% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU; thủy sản có tỷ lệ tận dụng là 76,9%, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 2,7% tổng kim ngạch; gạo tỷ lệ tận dụng là 193%, giá trị xuất khẩu 0,019 tỷ USD, chiếm 0,04%.
Sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam dù hiện diện tại EU nhưng số lượng còn tương đối khiêm tốn. Mô hình và cách làm của các thương hiệu như Lộc Trời, Trung An, cà-phê Vĩnh Hiệp, hạt tiêu Khương Sinh… cần được chia sẻ và nhân rộng.
“Chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ mất dần lợi thế từ EVFTA nếu các nước khác cũng ký được FTA với EU. EU hiện đã bắt đầu nối lại đàm phán FTA với nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… Vì vậy, với lợi thế “người đi trước”, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA”, Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung cập nhật và nâng cấp Cổng thông tin FTA, kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương, giúp doanh nghiệp có điều kiện dễ dàng tiếp cận với đầy đủ thông tin cần thiết.
Bộ cũng sẽ triển khai xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi FTA nói chung, EVFTA nói riêng để các địa phương quan tâm, thực hiện hiệu quả việc thực thi FTA cũng như đưa việc hỗ trợ doanh nghiệp thực sự đi vào thực chất.
Bộ Công thương sẽ tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, tập trung sâu hơn vào các khóa tập huấn, hội thảo có chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp, nhất là dành cho các chủ doanh nghiệp.
Thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối giữa các hiệp hội, doanh nghiệp để tận dụng tối đa hiệu quả EVFTA.