Kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 83,4 tỷ USD sau 2 năm thực thi EVFTA

NDO - Trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước EU đạt 83,4 tỷ USD, tăng trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.
0:00 / 0:00
0:00
EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội và thành tựu cho nền kinh tế Việt Nam sau hai năm đi vào thực thi.
EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội và thành tựu cho nền kinh tế Việt Nam sau hai năm đi vào thực thi.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như: sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%,...

Đó là những con số thống kê ấn tượng về thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau hai năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Viện FNF Việt Nam công bố tại Hội thảo “Đánh giá hai năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp” tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết 2 năm thực thi EVFTA nhìn từ cả góc độ thương mại-đầu tư và xây dựng pháp luật-thể chế tại Việt Nam, đồng thời công bố báo cáo do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Viện FNF dựa trên kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước và Nghiên cứu rà soát đánh giá các văn bản pháp luật thực thi EVFTA trong hai năm qua. Nhiều diễn giả phát biểu tại hội thảo có chung nhận định, trong 2 năm đầu có hiệu lực, EVFTA đã được thực thi tương đối hiệu quả.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang, EVFTA đã góp phần quan trọng làm giảm các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của EU vào Việt Nam năm 2021 với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 các khu vực đầu tư lớn vào Việt Nam. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA đã tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đặc biệt, hàng hóa của thị trường EU và Việt Nam đang có tính bổ trợ cho lẫn nhau, không gây ra sự cạnh tranh nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, EVFTA còn tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo, giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa,...

Từ góc độ của từng doanh nghiệp, thông tin từ kết quả khảo sát về EVFTA được Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất khả quan, với gần 41% doanh nghiệp cho biết, đã từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Trong đó, lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.

"EVFTA cũng là hiệp định thương mại tự do có số lượng doanh nghiệp biết đến nhiều nhất đến thời điểm này với khoảng 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về EVFTA. Đồng thời, đây cũng là FTA có tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ nhiều nhất. Cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 3 doanh nghiệp biết rõ về EVFTA và 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết của EVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình", bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, quá trình thực thi EVFTA cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế cản trở các doanh nghiệp hiện thực hóa những lợi ích kỳ vọng từ FTA này, trong bối cảnh nhiều chủng loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa sau đại dịch.

Trong khi EU lại là thị trường luôn có đòi hỏi cao về các quy chuẩn chất lượng, cũng như nhiều rào cản khắt khe về thương mại, chú trọng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động và môi trường và quy định truy xuất nguồn gốc… làm hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, theo TS. Cao Xuân Phong, Trưởng ban Nghiên cứu Pháp luật quốc tế-Viện Khoa học pháp lý, để thực thi có hiệu quả hơn EVFTA trong thời gian tới, Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép, lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa về thông tin thương mại của thị trường EU thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng nông sản khu vực EU. Cùng với đó cần tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp, cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nhưng cũng cần đề cao đến các yêu cầu chất lượng, tránh để hàng hóa bị trả về vì không đáp ứng tiêu chuẩn,…