Tấm lòng người thầy với trẻ thiệt thòi

NDO - Thầy Nguyễn Xuân Việt (sinh năm 1985), đã có 12 năm gắn bó, dạy học cho các em học trò đặc biệt tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Với tâm huyết của một người thầy và tình yêu dành cho học sinh của mình, thầy đã có những phương pháp dạy phù hợp để giúp các em ngày một tiến bộ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy Việt dạy 1-1 với học trò.
Thầy Việt dạy 1-1 với học trò.

Vượt qua những trở ngại

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, Khoa Tâm lý giáo dục (Trường đại học sư phạm Đà Nẵng), thầy Việt về công tác ở Trung tâm (lúc đó là Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu).

Những ngày đầu tham gia giảng dạy, ai cũng như thầy khi chưa quen đều sẽ bị sốc. Ở đây, trẻ có nhiều hành vi, nhiều khó khăn về nhận thức, tương tác, giao tiếp và cả sự mặc cảm của các em.

Lúc đầu thầy dạy lớp chậm phát triển trí tuệ, đó là những học sinh gần như bị nặng nhất trong trường. Các em ấy dù lớn tuổi nhưng kỹ năng tự phục vụ, sinh hoạt, đi vệ sinh, ngủ nghỉ vẫn chưa có. Bên cạnh đó, trẻ cũng chưa kiểm soát được và sẽ có nhiều hành vi hung tính, có thể đấm, cắn, đánh bản thân, hoặc bạn bè, thầy giáo, đó là những việc trở thành hết sức bình thường.

Trong 1 tháng đầu, mỗi ngày thầy Việt đều giúp các em trong việc cá nhân, dọn vệ sinh khi trẻ đi bậy trong lớp. Mỗi lần vậy thầy cũng không tránh khỏi cảm giác buồn nôn. Những lúc đó, bản thân thầy Việt đã nghĩ cần phải làm gì để trẻ biết những việc đó không nên làm, tự phục vụ được bản thân và nói những điều mình muốn?

“Lúc đó, mình thực sự yêu thương trẻ, để cố gắng hiểu được các bạn, mình sẽ tìm cách để làm bạn với các em, đồng hành, hướng dẫn cùng học sinh theo được những kỹ năng đơn giản để hòa nhập được với mọi người” - thầy Việt nhớ lại.

Được tập huấn phương pháp Dosha-hou, một phương pháp dạy của Nhật Bản, thầy Việt đã quyết định áp dụng để dạy học trò của mình. Đây là phương pháp kết hợp cả tâm lý và vận động. Khi áp dụng nó, người dạy sẽ phải tiếp cận từ từ và tôn trọng trẻ. Khi mình thiết lập được mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh thì đứa trẻ sẽ cảm thấy tự tin, an toàn và hợp tác với mình, thực hiện theo những yêu cầu, bài tập mà giáo viên hướng dẫn.

Nhiều bạn nhỏ lúc đầu đến trung tâm như tờ giấy trắng, không ngôn ngữ, tương tác ít, nhiều hành vi… Sau quá trình học tập, các em sẽ hình thành dần các kỹ năng, các em sẽ biết nếu muốn 1 cái gì đó thì phải diễn đạt, bằng lời (nói theo câu mẫu: xin thầy cho con, thầy giúp con) hoặc cử chỉ (ngửa tay, khoanh tay).

Mỗi trẻ khi vừa tới lớp, thầy Việt sẽ dạy cách chào hỏi, cách sắp xếp đồ cá nhân của mình vào đúng nơi quy định. Sau đó sẽ trò chuyện hằng ngày để tạo tâm thế thoải mái như: Hôm nay con cảm thấy thế nào, ai chở con đi học, con đã ăn gì buổi sáng,… Sau đó, trẻ lấy hình của mình dán lên bảng (giúp trẻ tự nhận thức được bản thân mình và người khác). Trong buổi học sẽ có hình ảnh các hoạt động trẻ cần thực hiện và trẻ sẽ tự chọn lựa cho mình sẽ thích học cái gì trước.

Sáng tạo trong dạy học

Mỗi trẻ là một cá nhân riêng biệt, các em có nhu cầu, năng lực, sở thích khác nhau nên việc giáo dục mỗi em cũng phải khác nhau. Trẻ cần được đánh giá ban đầu để xác định mức độ phát triển hiện tại và xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp riêng.

Sau khi được phân công phụ trách công việc đánh giá, giáo dục cá nhân và hỗ trợ cộng đồng, lớp học một thầy-một trò cũng được thầy Việt thực hiện.

Tấm lòng người thầy với trẻ thiệt thòi ảnh 1
Thầy Việt cũng thường tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng trung tâm.

Trong quá trình dạy học, bản thân thầy tự thay đổi rất nhiều, như về hình thức dạy học. Học trò không phải ngồi trên bàn mà cho các bạn ra ngoài sân, chơi dưới sàn hoặc cho bạn ấy ra vườn. Việc thay đổi nhiều môi trường khác nhau sẽ tạo sự hứng thú hơn. Thầy cũng phải để ý những sở thích để làm những đồ chơi, đồ dùng đáp ứng được nhu cầu của trò thì các em sẽ duy trì được sự hứng thú và tiếp thu bài dễ hơn.

Đồ chơi của trẻ là những nguyên liệu đơn giản có sẵn trong cuộc sống, như nắp chai có thể viết chữ, số lên đó để học; lõi giấy vệ sinh có thể tận dụng làm đồ chơi hoặc để học sinh vẽ lên thành hình ảnh. Những bạn tự kỷ thường sẽ thích thao tác trực tiếp lên đồ chơi đồ vật nên thầy làm các đồ chơi chuyển động, tháo, lắp được sẽ giúp các em thích thú hơn.

Thông thường trong 1 buổi học giáo dục cá nhân thì có 4 đến 5 hoạt động xen kẽ cả động và tĩnh để có sự hứng thú và duy trì lâu dài. Mỗi ngày thầy có ít nhất 7 tiết/7 trẻ. Theo thầy Việt, một khó khăn trong vấn đề dạy không phải ở bản thân trẻ mà cần có sự phối hợp của phụ huynh. Nếu phụ huynh nào tâm huyết, dành nhiều thời gian đồng hành cùng con thì các con sẽ rất nhanh tiến bộ.

Bà Trịnh Thị Th, có con trai không may bị tự kỷ và tăng động, ở nhà con có dấu hiệu chậm nói, hay la hét, tự cắn vào tay mình và được gia đình gửi đến học tại trung tâm. “Sau một thời gian được học tập tại đây và theo các tiết học giáo dục cá nhân, con đã có nhiều tiến bộ, con hiểu được những điều mình nói và tự làm được một số việc nhẹ nhàng mà cha mẹ yêu cầu. Con cũng thể hiện tình cảm với mình rõ hơn nên gia đình rất vui” - bà Th. tâm sự.

Ngoài giảng dạy tại trung tâm thầy Việt cũng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các trường tiểu học trong thành phố. Thầy hỗ trợ giáo viên, dự giờ và khảo sát năng lực học sinh, tư vấn trao đổi với cán bộ, giáo viên các trường, đưa ra những biện pháp để cải thiện vấn đề hòa nhập của trẻ ở trường. Mỗi tuần một buổi, thầy cũng đánh giá phát triển cho các bạn và tư vấn cho phụ huynh.

“Ngay từ đầu tôi đã lựa chọn theo ngành này, bản thân cũng đã được học tập và đào tạo thì tôi sẽ làm với đam mê nghề của mình. Thương yêu trẻ, đồng hành cùng các em là một điều chắc chắn tôi đang và sẽ tiếp tục thực hiện, vì vậy, tôi chẳng có ý định gì khác, mà sẽ luôn gắn bó với Trung tâm và tham gia có những hỗ trợ cho học sinh đang có khó khăn ở các trường tiểu học khác” - thầy Việt chia sẻ.