Bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh ở Hà Tĩnh

Từ năm học 2018-2019, tỉnh Hà Tĩnh không bố trí nhân viên y tế làm việc tại trường học. Nhiệm vụ y tế học đường được giao cho nhân viên y tế trạm y tế xã thực hiện kiêm nhiệm. Điều này đã gây không ít khó khăn trong quá trình phối hợp chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho học sinh tại 642 trường.
0:00 / 0:00
0:00
Trường mầm non Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) phải cắt cử cán bộ không chuyên thực hiện nhiệm vụ y tế học đường tại bếp ăn bán trú.
Trường mầm non Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) phải cắt cử cán bộ không chuyên thực hiện nhiệm vụ y tế học đường tại bếp ăn bán trú.

Sau khi nhân viên y tế học đường được điều sang công tác tại trạm y tế xã, Trường mầm non Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) phải bố trí hai phó hiệu trưởng kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ y tế học đường tại hai điểm trường.

Cô giáo Lê Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Lâm Hương cho biết: Mặc dù không được đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, song do nhu cầu công việc, bản thân cô phải thực hiện thêm nhiệm vụ y tế học đường tại trường học. Nhiệm vụ của nhân viên y tế học đường là: thu và lập hồ sơ bảo hiểm y tế học sinh, công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em… Tuy nhiên, công việc chủ yếu của cô là tiếp nhận các nội dung truyền thông về phòng chống dịch bệnh, sau đó truyền tải lại cho các giáo viên, học sinh trong trường được biết và thực hiện.

Nhiệm vụ y tế trường học tại năm trường học trên địa bàn xã Tân Lâm Hương đều được các giáo viên thực hiện kiêm nhiệm. Theo quy định, Trạm y tế xã đã bố trí một cán bộ y tế làm nhiệm vụ y tế học đường tại năm trường. Tuy vậy, do địa bàn trải rộng, dân số lại đông, công việc của nhân viên y tế quá tải.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Kiên, Trưởng trạm Y tế Tân Lâm Hương cho biết thêm: Các trường quản lý học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ y tế trường học. Nhân viên y tế đến để làm nhiệm vụ y tế trường học thì phải được sự đồng ý của trường nếu sự phối hợp, hợp tác thiếu chặt chẽ thì nhiệm vụ y tế trường học sẽ không hiệu quả.

Hiện nay nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe học sinh được trích từ quỹ Bảo hiểm y tế do nhà trường quản lý. Việc chưa có sự thống nhất giữa trạm y tế và các trường học về phương thức chi quỹ Bảo hiểm y tế để mua sắm thuốc, vật tư y tế… phục vụ chăm sóc sức khỏe học sinh, khám sức khỏe định kỳ cũng gây ra khó khăn cho y tế học đường.

Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) Đặng Thị Hồng Vân trăn trở: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài các biên chế đứng lớp, mỗi trường học được bố trí ba vị trí gồm: văn thư, kế toán, y tế trong trường học, nhưng hiện nay trường chỉ có một kế toán làm cả 3 nhiệm vụ.

Tại các trường học tổ chức bán trú, vì không có nhân viên y tế nên nhà trường phải cắt cử giáo viên đến sớm để tiếp nhận thực phẩm, đánh giá theo ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là chưa kể đến những tình huống ngoài ý muốn nhân viên trạm y tế không thể đến trường xử lý tình huống.

Theo số liệu thống kê về tình hình bệnh tật tại các trường học của Sở Y tế Hà Tĩnh năm học 2022-2023 toàn tỉnh có hơn 80 nghìn học sinh có nguy cơ về các bệnh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, các bệnh răng miệng, mắt, hô hấp, tâm thần…

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Cường cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chuyển nhân viên y tế học đường sang làm việc tại các cơ sở y tế. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác y tế trường học tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025. Bước đầu đã xuất hiện một số khó khăn, bất cập. Mỗi trạm y tế có trung bình từ 5 đến 7 người làm việc, trong khi đó nhiều xã có 3 đến 5 trường học, thậm chí có xã có đến 7 điểm trường, cho nên các trạm y tế không đủ cán bộ để phân công mỗi trường một cán bộ phụ trách. Có những trường học hàng nghìn học sinh, nhưng không có nhân viên y tế học đường làm việc thường xuyên, khi xảy ra sự việc liên quan đến sức khỏe của học sinh rất khó thực hiện các thao tác xử lý ban đầu hoặc cấp phát thuốc cho học sinh khi cần.

Phó Trưởng ban Văn hóa, Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh) Thái Sinh cho biết, qua giám sát cho thấy, công tác y tế học đường tại các trường học đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng phương thức vận hành, thực hiện nhiệm vụ y tế học đường một cách căn cơ, phù hợp hơn với thực tiễn.