Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức từ ngày 26 đến 29/6 (gồm cả ngày làm thủ tục và ngày dự phòng). Về cơ bản kỳ thi năm nay được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt giữ nguyên như năm 2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy chế.
Các đơn vị đăng ký dự thi có trách nhiệm tra cứu thông tin từ nguồn thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh, tránh bị nhầm lẫn trong quá trình đăng ký thi. Về công tác ra đề thi, bổ sung thêm các yêu cầu đối với khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách… để thí sinh và các bên tham gia quá trình tổ chức thi nắm rõ và không vi phạm theo quy định bí mật nhà nước.
Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, mục tiêu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn tiếp tục nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2006; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Kỳ thi được thực hiện trên tinh thần giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội. Từ ngày 24 đến 28/4, thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Thí sinh đăng ký dự thi chính thức từ ngày 2 đến 10/5. Các sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị tổ chức cho thí sinh đăng ký và nhận phiếu đăng ký dự thi, nhập dữ liệu của thí sinh vào hệ thống quản lý thi. Thí sinh cần phải có căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc mã số định danh cá nhân do cơ quan công an cấp để sử dụng làm tài khoản đăng ký dự thi và cập nhật các thông tin liên quan đến kỳ thi trên hệ thống quản lý thi.
Bài học kinh nghiệm cho thấy, mọi sai sót xảy ra đều do không nghiêm túc, thực hiện không đúng quy chế, bỏ qua quy trình, vì vậy, các đơn vị cần thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế, đúng hướng dẫn trong mọi khâu; mọi sự thay đổi khi thực hiện phải có quyết định của Ban chỉ đạo…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, quá trình đăng ký dự thi, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường phổ thông và các đơn vị đăng ký dự thi kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các đơn vị đặc biệt lưu ý các thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích, thông tin để hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng và tổ chức lưu giữ hồ sơ của thí sinh.
Đáng chú ý, để bảo đảm dữ liệu tổ chức thi là chính xác, các đơn vị đăng ký dự thi in thông tin của thí sinh đang học lớp 12 từ hệ thống quản lý thi (phiếu đăng ký dự thi, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp) và tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận. Các thí sinh tự do có học bạ theo chương trình THPT nào phải đăng ký dự thi theo quy định dành cho chương trình đó.
Trong trường hợp thí sinh bị mất bản chính học bạ THPT có nguyện vọng được dự thi năm 2024 phải có xác nhận bản sao học bạ được cấp, hoặc bản sao kết quả học tập THPT, hoặc được sở giáo dục và đào tạo xác nhận (trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước). Trong thời hạn đăng ký dự thi, thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phải khai báo trên phần mềm đầy đủ, đúng các thông tin kèm minh chứng để hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, năm nay là năm cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, nhưng mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi không hề thay đổi, bất cứ sai sót nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi. Công tác chỉ đạo thi từ cấp Trung ương là Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đến các tỉnh, thành phố, các sở giáo dục và đào tạo cần sâu sát, toàn diện. Các cơ quan, đơn vị cần kịp thời thành lập bộ máy để lãnh đạo, chỉ đạo kỳ thi và ban hành hệ thống văn bản triển khai thực hiện.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thầy, cô giáo tham gia rất lớn, số lượng thí sinh hàng triệu em cho nên ngành giáo dục cần sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, rõ chức trách nhiệm vụ của ngành công an, quân đội, thanh tra, y tế, giao thông… Tất cả các cán bộ tham gia kỳ thi cần được tập huấn và học quy chế, thuộc rõ chức trách nhiệm vụ, để không lơ là trong thực hiện nhiệm vụ.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, bài học kinh nghiệm cho thấy, mọi sai sót xảy ra đều do không nghiêm túc, thực hiện không đúng quy chế, bỏ qua quy trình, vì vậy, các đơn vị cần thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế, đúng hướng dẫn trong mọi khâu; mọi sự thay đổi khi thực hiện phải có quyết định của Ban chỉ đạo… Công tác truyền thông cần chủ động và kịp thời phổ biến về điểm mới của quy chế, khuyến cáo những mức độ vi phạm nào sẽ đến mức xử lý hình sự để tất cả mọi người không muốn, không dám và không thể vi phạm; đồng thời tạo sự đồng thuận, chia sẻ trong xã hội với kỳ thi, với thí sinh.
Năm 2024, Ban chỉ đạo thi tiếp tục quán triệt tinh thần “bốn đúng ba không”. Trong đó, “bốn đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống và sự cố bất thường. “Ba không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng cứng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.