Tấm lòng của người thầy khiếm thị

Thầy Hoàng Văn Khương, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ðà Nẵng là một người thầy đặc biệt. Bằng sự nỗ lực không ngừng, thầy đã mang kiến thức và niềm say mê môn học Lịch sử đến với những em học trò đồng cảnh ngộ.

Thầy Hoàng Văn Khương hướng dẫn học môn Lịch sử cho một học sinh khiếm thị.
Thầy Hoàng Văn Khương hướng dẫn học môn Lịch sử cho một học sinh khiếm thị.

Thầy giáo Hoàng Văn Khương tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Ðắk Lắk chuyên ngành Lịch sử với giấc mơ trở thành giáo viên dạy môn Lịch sử. Ra trường, thầy tình nguyện dạy học ở một trường miền núi xa xôi của tỉnh Ðắk Lắk. Nhưng rồi trong một lần đang đứng lớp, hai mắt thầy đau dữ dội. Những tưởng đó chỉ là cơn đau mắt bình thường, nhưng rồi qua nhiều lần thăm khám, phẫu thuật, các bác sĩ đã không thể cứu chữa được và từ một người mắt sáng, thầy Khương bắt đầu đón nhận cuộc sống mới với hai mắt mù hoàn toàn. Thầy Khương nhớ lại, lúc đó, tuyệt vọng và đau đớn vô cùng nhưng rồi được sự động viên từ gia đình, bản thân cũng tự nhủ lòng mình không thể đầu hàng số phận.

Vì vậy, thầy bắt đầu hành trình tìm học những kiến thức mới để phục vụ cho công tác giảng dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ðến năm 2001, thầy Khương xin về dạy môn Lịch sử (cấp THCS, THPT) tại Trường phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Ðình Chiểu (thành phố Ðà Nẵng), nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ðà Nẵng.

Luôn tự nhủ lòng mình, phải thật cố gắng để vượt qua tất cả những rào cản, khó khăn, thầy Khương tiếp tục học hệ thống chữ nổi Braille để có thể làm tốt nhất công việc của mình. Ngày đi dạy, tối về học chữ nổi Braille và hoàn thành chương trình học văn bằng 2 đại học, chuyên ngành giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm Hà Nội... Ðể có thể truyền tải đến các em học sinh khối lượng kiến thức môn Lịch sử hấp dẫn và phong phú, thầy đã tự suy ngẫm, tìm tòi và sáng tạo ra một giáo trình dạy môn Lịch sử rất đặc biệt với nhiều phương pháp giảng dạy hay, đơn giản, giúp các em học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng và tiết kiệm được thời gian học.

Nói về mô hình dạy môn Lịch sử đặc biệt của mình, thầy Khương tâm sự: “Các em ở đây chủ yếu là khiếm khuyết, vì thế việc dạy học có phần khó khăn hơn. Ðối với các bài học có nội dung dài và phức tạp, tôi thường lọc lại các ý, sự kiện chính, từ đó đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề mà các em chưa hiểu. Ngoài ra, tôi cũng photocopy các ý chính ra thành cỡ chữ lớn hơn để giúp các em thị lực kém hoặc chậm phát triển về trí tuệ dễ đọc”.

Các mô hình bài học được thầy Khương thiết kế lại bằng cách nhờ người thân, đồng nghiệp hỗ trợ cắt các tấm bìa cứng hoặc xốp, những đồ dùng, đường đi của các hướng quân… như cách mô phỏng lại các nội dung chính của từng bài học và dán lên bảng bìa. Qua các mô hình này, học sinh bị mất thị giác hoàn toàn, khi chạm vào sẽ dễ liên tưởng và nhớ kiến thức bài học lâu hơn. Từ những mô hình này, thầy có thể bố trí mô phỏng lại các giai đoạn lịch sử của Việt Nam thông qua các vật dụng này, giúp các em mất thị lực có thể hiểu rõ bài hơn. Việc sử dụng các bài giảng của mình hoặc các bài phân tích của các chuyên gia được thầy ghi âm lại để mở cho học sinh nghe, đã mang lại kết quả đáng khích lệ và học sinh thêm yêu thích môn học Lịch sử.

Gần 21 năm qua, thầy Khương vẫn miệt mài truyền dạy kiến thức cho những học sinh chậm phát triển trí tuệ, mất thị giác; vừa dạy vừa học, vừa không ngừng cố gắng để bổ sung vào chính những khiếm khuyết của mình. Bục giảng với thầy Khương đặc biệt như nhiều thế hệ học sinh mà thầy đã và đang góp một chuyến đò để đưa các em qua nhịp cầu tri thức.