Sức lan tỏa của Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội

Liên hoan dân ca, dân vũ - Hà Nội năm 2022 đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Liên hoan không những góp phần bảo tồn nhiều loại hình văn hóa truyền thống, mà còn làm sinh động đời sống văn hóa ở cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Liên hoan dân ca, dân vũ - Hà Nội năm 2022 đã tạo ra một đợt sinh hoạt văn hoá sôi động trong cộng đồng.
Liên hoan dân ca, dân vũ - Hà Nội năm 2022 đã tạo ra một đợt sinh hoạt văn hoá sôi động trong cộng đồng.

Được phát động từ tháng 8/2022, Liên hoan dân ca, dân vũ - Hà Nội năm 2022 đã tạo ra một đợt sinh hoạt văn nghệ sâu rộng trên địa bàn thành phố. Sau khi có chủ trương của thành phố, 22 quận, huyện đã tổ chức liên hoan ở cấp xã, phường để chọn ra những đại biểu ưu tú nhất, đại diện cho địa phương mình “thi đấu” ở vòng chung khảo cấp quận, huyện. Liên hoan gồm các nội dung: dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc. Ngay từ cấp phường, xã, việc tập luyện, thi đấu của các thí sinh đã diễn ra hết sức sôi nổi.

Quận Bắc Từ Liêm là một trong những đơn vị tổ chức bài bản nhất. Vòng sơ khảo được tổ chức tại 18 phường. Các đội giành giải nhất của các phường tiến vào vòng chung khảo.

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết: “Liên hoan dân ca, dân vũ Bắc Từ Liêm là hoạt động đầy ý nghĩa, góp phần bảo tồn, phát huy, tôn vinh các loại hình văn hóa dân gian mang đậm bản sắc vùng, miền của các địa phương; đồng thời góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Với chủ đề “Giai điệu quê hương”, những làn điệu dân ca, điệu múa dân gian mang đậm bản sắc địa phương cũng như cộng đồng cư dân”.

Do số lượng đơn vị tham gia lớn, vòng chung khảo cấp thành phố được tổ chức tại 3 cụm: Trung tâm Văn hóa Thành phố, Khu di tích đình Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) và UBND xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ). 22 quận, huyện đều đem đến những nét độc đáo nhất của mình, với tổng số 66 tiết mục được dàn dựng công phu. Trong đó, có 25 tiết mục hát dân ca ở nhiều thể loại như đơn ca, song ca, tốp ca, hát múa...

Tiêu biểu là các tiết mục: “Tây Hồ hoài cổ” (huyện Đông Anh, quận Tây Hồ), hát múa “Thập âm phụ mẫu” (huyện Thanh Trì), “Lý giao duyên” (quận Hà Đông), “Hát mừng Thăng Long” (quận Thanh Xuân), “Gió đánh đò đưa” (quận Bắc từ Liêm). 21 tác phẩm múa dân gian dân tộc và nhiều tiết mục múa phụ họa cho hát, nhạc cụ dân tộc với các đề tài phong phú, thể hiện khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, ca ngợi tình đoàn kết giữa các dân tộc, tình yêu lứa đôi, xây dựng nông thôn mới, nếp sống mới, nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng các dân tộc... Tiêu biểu như các tiết mục: “Những bông hoa núi rừng” (huyện Thanh Trì), “Chầu Then” (huyện Thường Tín), “Mừng gạo mới” (huyện Gia Lâm)...

Các tác phẩm múa được lấy từ chất liệu nghệ thuật truyền thống bám sát vũ đạo gốc múa dân gian dân tộc để rồi “thổi hồn” vào đó hơi thở thời đại. Các tiết mục đã cho thấy sự cố gắng của các địa phương, đồng thời, phản ánh sinh hoạt văn hoá, văn nghệ sôi động đang diễn ra ở cơ sở.

Đối với phần trình diễn nhạc cụ dân tộc, 20 tiết mục độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc của các quận, huyện, thị xã, điểm nổi bật là sự điêu luyện của các nhạc công khi dàn dựng, tập luyện các tác phẩm công phu và trình diễn với kỹ thuật cao, thể hiện tốt nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Tiêu biểu như tiết mục hòa tấu “Cánh chim tự do” (quận Tây Hồ), “Cô gái vót chông” (huyện Đông Anh), “Quê ta” (huyện Thanh Trì), “Cung đàn đất nước” (huyện Gia Lâm), “Trống hội hào khí Thăng Long” (huyện Chương Mỹ).

Đánh giá về chất lượng Liên hoan, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội - Trưởng ban Giám khảo về chất lượng nghệ thuật tại Liên hoan cho biết: “66 tiết mục được các nhạc sĩ, biên đạo dàn dựng khéo léo, tinh tế, cùng với sự thể hiện tâm huyết của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Các tiết mục được các nghệ nhân, diễn viên quần chúng trình diễn bằng tình yêu cháy bỏng những vốn quý của nền nghệ thuật dân tộc”.

Trong dịp tổng kết Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất chương trình cho huyện Đông Anh; trao 5 giải Nhì chương trình cho quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì, quận Long Biên, quận Ba Đình, quận Hà Đông.

Ngoài ra, còn có một số giải thưởng chuyên đề. Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội diễn ra ba năm một lần. Song, từ tác dụng thực tế trong xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ, bảo tồn giá trị truyền thống ở cơ sở, nhiều đại biểu mong muốn Liên hoan được tổ chức thường xuyên hơn để đáp ứng yêu cầu cuộc sống.