Tại cuộc họp giữa người dân phường Trường Thạnh với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án đường vành đai 3, thành phố Thủ Đức mới đây, phần lớn người dân đều ủng hộ chủ trương thực hiện dự án.
Tuy nhiên, họ cũng kiến nghị, mức giá bồi thường của dự án chưa hợp lý, cần được xem xét để bảo đảm đời sống người dân bằng hoặc hơn so với trước khi bị thu hồi đất.
Mức giá bồi thường thấp
Đại diện hộ bà Lê Thị Thanh Tú cho biết: Gia đình bà bị thu hồi hơn 5.700m2 đất trồng cây lâu năm mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (thuộc thửa 21, 22 tờ bản đồ 36 năm 2003 phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức) nhưng chỉ được đền bù hơn 7,6 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường tại khu vực này đang dao động từ 60 đến 80 triệu đồng/m2.
So sánh với tỉnh Bình Dương, cùng dự án nhưng người dân được đền bù hơn 22 triệu đồng/m2. Giá đền bù của thành phố Thủ Đức khiến người dân bị thiệt thòi.
Tương tự, ông Bùi Thanh Tuấn bị thu hồi 841m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh cho biết, ông mua nền đất của gia đình trước thời điểm quy hoạch đường vành đai 3. Trên đất có nhà xưởng và nhà ở riêng lẻ, với hơn 50 công nhân, là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình ông nhiều năm nay.
Nếu theo cách tính của chính quyền, ông chỉ được bồi thường khoảng 6,4 tỷ đồng. Số tiền đó chỉ mua được 100m2 trong hẻm.
“Từ một người có đất mặt tiền 841m, có nhà xưởng, giờ làm đường vành đai 3 bồi thường cho tôi đủ mua 100m2 trong hẻm thì làm sao tôi yên tâm được”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng thời ông cũng kiến nghị chính quyền các cấp cần xem xét, đánh giá thực tế từng hộ gia đình để đưa ra phương án tối ưu nhất.
Trước mắt, các cấp, ngành cần điều chỉnh lại hệ số K cho các hộ mặt tiền đường lên mức cao nhất gấp 25 lần so với quy định (hiện tại mới chỉ gấp 17 lần) vì có như thế mới sát với thực tế.
Còn ông Lê Minh Thắng người có hơn 3.000m2 đất nông nghiệp bị thu hồi tại địa chỉ 200 Nguyễn Xiển cho biết: Gia đình ông mua đất từ năm 1997, theo chứng thư Thẩm định giá của Công ty Phương Nam, giá đất nông nghiệp của tôi là hơn 33 triệu đồng. Giá trị thực tế còn cao hơn nhiều. Nay Nhà nước bồi thường 7,6 triệu đồng là hết sức vô lý khiến cho tôi thiệt hại nhiều chục tỷ đồng.
Tại sao cùng một khu vực, cùng một vị trí mà áp dụng hệ số K tùy tiện. Đáng lý phải áp dụng cùng một hệ số cho cùng một khu vực. Hoặc theo vị trí mặt tiền đường có hệ số K cao hơn so với trong hẻm để đưa giá đất tiệm cận với thực tế. Đằng này chính quyền lại làm ngược lại, đất vùng sâu, xa nhân giá gấp từ 22 đến 25 lần trong khi đất mặt tiền chỉ nhân 17 lần.
Chính quyền địa phương nói gì?
Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức cho biết: Hiện tại có 34 trường hợp người dân thắc mắc về đơn giá bồi thường tại dự án vành đai 3, đoạn đi qua thành phố Thủ Đức.
Khung giá đền bù dự án vành đai 3 trên địa bàn thành phố Thủ Đức căn cứ vào Quyết định 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về Ban hành Quy định về bảng giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2024.
Đối với trường hợp cụ thể người dân kiến nghị, đất thu hồi là đất nông nghiệp thuần, không đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng cho nên giá đền bù đã ban hành là hợp lý.
Cụ thể, Ban bồi thường đã áp giá đền bù (đất ở) từ 69-70 triệu đồng/m2 đối với mặt tiền đường Nguyễn Xiển, đất nông nghiệp bằng 10% giá đền bù so với đất ở.
Nếu so sánh với tỉnh Bình Dương thì giá đền bù về đất ở vẫn cao hơn; còn đối với đất nông nghiệp do đặc thù ở Bình Dương có quy mô thửa đất nhỏ, đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất cho nên giá đền bù áp dụng cũng cao hơn ở thành phố Thủ Đức.
Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, quy định Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi.
Theo đó, hệ số K chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân, không phải là hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng từ giá đất cụ thể để tính bồi thường của loại đất thu hồi tại thời điểm thu hồi đất.
Vì vậy, giá đền bù áp dụng đối với dự án vành đai 3 trên địa bàn thành phố Thủ Đức căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như các quyết định được phê duyệt. Giá bồi thường thành phố phê duyệt là giá thị trường do đơn vị thẩm định thực hiện căn cứ vào hợp đồng giao dịch thành.
Ngoài ra, xét về nguồn gốc những trường hợp có đất bị thu hồi mà người dân đang kiến nghị là đất nông nghiệp, do đó việc áp giá đền bù phải là loại đất nông nghiệp mà không thể bồi thường theo hiện trạng vì không đúng quy định.
Theo Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, việc áp dụng hệ số giá đất (hệ số K) để tính giá đất trong bồi thường, hỗ trợ đối với đất bị thu hồi triển khai dự án đường vành đai 3, đoạn qua thành phố Thủ Đức cần lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi và thu thập thông tin tại khu vực lân cận… để cân đối hệ số K, nhằm bảo đảm quyền lợi người dân bị thu hồi đất tại dự án.