Siết chặt quản lý Big Tech trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ

Hàng loạt ông lớn công nghệ (Big Tech) đang đối mặt rắc rối pháp lý khi các quốc gia siết chặt quy định quản lý. Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, câu chuyện về trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn cho người sử dụng và thúc đẩy cạnh tranh công bằng tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng đã đề xuất một đạo luật chống độc quyền nhằm kiểm soát những "gã khổng lồ" công nghệ. (Ảnh: Reuters)
Một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng đã đề xuất một đạo luật chống độc quyền nhằm kiểm soát những "gã khổng lồ" công nghệ. (Ảnh: Reuters)

Chỉ trong vòng một tháng qua, Google, công cụ tìm kiếm trực tuyến có sức ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu, đã phải đối mặt nhiều cáo buộc liên quan vấn đề độc quyền. Chính phủ Mỹ mới đây cáo buộc Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các tập đoàn khác để bảo vệ vị thế độc quyền của công ty công nghệ này đối với mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến.

Hồi đầu tháng 10/2023, đại diện lãnh đạo của Google đã phải trình diện trước tòa để giải trình về chiến lược định giá quảng cáo trực tuyến, vốn gây nhiều tranh cãi. Vị thế thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến đã giúp “công ty mẹ” của Google là tập đoàn Alphabet trở thành một trong những tập đoàn có doanh thu lớn nhất thế giới. Riêng doanh thu từ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm đã chiếm khoảng 60% tổng doanh thu của Alphabet.

Hàng loạt ông lớn công nghệ khác cũng vướng vào những ồn ào pháp lý. Na Uy phạt Meta khoảng 93.000 USD/ngày trong ba tháng kể từ ngày 14/8 vừa qua, do vi phạm quyền riêng tư của người dùng khi khai thác dữ liệu của họ dành cho mục đích quảng cáo. Trong khi đó, hãng Apple Inc. đối mặt khoản phạt 20,5 tỷ won với cáo buộc vi phạm Đạo luật kinh doanh viễn thông ở Hàn Quốc. Microsoft, Amazon bị điều tra về vi phạm luật chống độc quyền...

Kể từ năm 2020, các đại gia công nghệ, còn gọi là Big Tech, liên tục nằm trong tầm ngắm của giới quản lý, bởi đại dịch Covid-19 đã cho thấy sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp này. Sự lớn mạnh nhanh chóng và những lợi thế nổi trội của các Big Tech khiến tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường công nghệ không được bảo đảm.

Kể từ năm 2020, các đại gia công nghệ, còn gọi là Big Tech, liên tục nằm trong tầm ngắm của giới quản lý, bởi đại dịch Covid-19 đã cho thấy sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp này. Sự lớn mạnh nhanh chóng và những lợi thế nổi trội của các Big Tech khiến tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường công nghệ không được bảo đảm.

Cùng với đó, các Big Tech cũng đối mặt không ít chỉ trích về sự quản lý, giám sát lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các nội dung xấu độc, thông tin sai lệch, kích động thù hận, hành vi phạm tội... tràn lan trên mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Đây cũng là nguyên nhân khiến các quốc gia ngày càng siết chặt “vòng kim cô” với các hãng công nghệ bằng một loạt quy định quản lý khắt khe nhằm làm trong sạch không gian mạng.

Với mục tiêu tiên phong trong nỗ lực chung của toàn cầu kiểm soát các Big Tech, Liên minh châu Âu (EU) đã cho ra đời Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), đề ra nghĩa vụ cho các nền tảng trực tuyến. Hai đạo luật này đã chính thức có hiệu lực kể từ cuối tháng 8/2023 và được kỳ vọng như những “người gác cổng trực tuyến”, giúp giải quyết hàng loạt vấn đề gây nhức nhối lâu nay liên quan các ông lớn công nghệ. Thành công trong việc áp dụng các quy định của EU sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng những bộ luật tương tự trên toàn cầu.

Về phía các hãng công nghệ, những động thái mạnh tay của giới quản lý khiến họ đứng trước nhiều áp lực. Nhiều hãng công nghệ từng bày tỏ không hài lòng với việc các quốc gia siết chặt kiểm soát. Apple bày tỏ lo ngại một số điều khoản trong DMA của EU sẽ tạo ra các lỗ hổng về bảo mật và quyền riêng tư cho người dùng. Google thì cho rằng, một số quy tắc của DMA có thể làm giảm sự đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, để tiếp tục cuộc chơi ở thị trường các nước, giới Big Tech không còn cách nào khác ngoài việc tiến hành những thay đổi sâu rộng để đáp ứng các quy định mới.

Theo giới chuyên gia, việc các quốc gia siết chặt quản lý các công ty công nghệ là một xu hướng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Để tránh những rắc rối pháp lý và hơn hết là tạo niềm tin ở người dùng về tinh thần trách nhiệm trong xây dựng không gian mạng an toàn, các Big Tech cần chủ động điều chỉnh, thích nghi, tuân thủ các quy định và luật pháp sở tại.